đến dâng ta để tỏ lòng biết ơn, đồ quỉ!". Ông vừa muốn ôm hôn gã Do thái,
vừa muốn đánh gã...
- Thưa ngài - Gã Do thái trở nên mạnh dạn hơn, toác miệng cười và nói -
cần phải tay trao tay, theo phong tục Nga...
- Lại còn bầy ra cái trò gì thế nữa? Người Do thái... mà lại theo phong tục
Nga! Này? Ai đấy? Giữ lấy ngựa, đưa nó vào chuồng. Đổ kiều mạch vào
máng cho nó ăn. Ta sẽ đến xem ngay đấy. Nhớ rằng tên nó là Malêc-Ađen,
nghe chưa!
Tsertôpkhanôp toan bước lên bậc tam cấp, nhưng chợt xoay gót giầy,
quay ngoắt lại và chạy tới gần gã Do thái, xiết chặt tay gã. Gã cúi xuống và
đã chề môi ra định hôn tay ông, nhưng Tsertôpkhanôp nhảy lùi lại, và hạ
giọng thốt lên: "Không được kể với ai đấy!", rồi biến vào sau cửa.
V
Chính từ hôm ấy, Malêc-Ađen trở thành công việc chính, thành mối quan
tâm chủ yếu và là niềm vui sướng trong đời Tsertôpkhanôp. Ông yêu nó còn
hơn cả yêu Masa trước kia, ông quyến luyến với nó hơn cả quyến luyến
Nêđôpiuxkin. Mà con ngựa mới đáng gọi là ngựa chứ? Nó hăng như lửa,
đúng là lửa, nói là thuốc súng cũng không ngoa: còn vẻ đường bệ thì không
thua gì một vị quí tộc Nga thời xưa! Nó không bao giờ biết mệt, dẻo dai, rẽ
cương về đâu là ngoan ngoãn tuân theo; còn cho nó ăn thì chẳng tốn kém
gì: nếu không có gì khác, nó gặm đất dưới chân. Nó đi bước một êm như ru,
phi nước kiệu thì người cưỡi có cảm giác như đang đu võng, còn phi nước
đại thì gió cũng không đuổi kịp! Nó chưa bao giờ thở hồng hộc, vì rất dài
hơi. Chân nó cứng như thép, mà chưa bao giờ bị vấp váp! Nó vượt qua hào
hay qua rào dễ như bỡn; mà tinh khôn thì có một. Nghe tiếng chủ gọi là cất
cao đầu, chạy ngay tới; bảo nó đứng một chỗ rồi đi nơi khác là nó đứng
nguyên chỗ ấy, không nhúc nhích; chỉ khi chủ quay về, nó mới khẽ hí lên,
như muốn nói: "Tôi vẫn ở đây". Nó không biết sợ gì hết: trời tối tăm mịt
mù, bão tuyết tơi bời, nó vẫn tìm được đường; nhưng không phải chủ thì
đừng hòng nó phục tùng: nó nhe răng ra cắn ngay! Chó chớ có dại mà bén
mảng đến gần nó: nó lập tức giơ chân trước bổ luôn vào trán: đớp! Chỉ có