không ai bị ngã. Ngày nay, với đòn bẩy 50 – 1 và sự đầu tư vào các chứng
khoán trung hạn không ổn định, Fed trông giống như một quỹ đầu tư phòng
vệ đáng thương hại hơn là một ngân hàng trung ương.
Ed Koch, người thị trưởng bình dân của New York trong thập niên 1980,
từng nổi tiếng vì ông hay đi bộ quanh thành phố và hỏi khách qua đường với
âm sắc chuẩn New York, “Tôi làm việc thế nào?” như một cách để thu thập
các phản hồi đối với chính quyền thành phố của ông. Nếu Fed đi hỏi “Tôi
làm việc thế nào?” thì câu trả lời sẽ là: từ khi được thành lập năm 1913 nó
đã thất bại trong nhiệm vụ duy trì sự ổn định giá cả, thất bại trong vai trò là
người cho vay cuối cùng, thất bại trong việc duy trì tình trạng toàn dụng lao
động, thất bại trong việc điều tiết các ngân hàng và thất bại trong việc bảo
toàn tính liêm chính trong bảng cân đối kế toán của chính mình. Một thành
công đáng kể của Fed là: nhờ công tác quản lý của nó mà kho vàng của Bộ
Ngân khố đã tăng giá trị từ $11 tỷ vào thời chính quyền Nixon năm 1971 lên
đến hơn $400 tỷ ngày nay. Tất nhiên sự tăng giá trị của vàng chỉ là mặt trái
của việc Fed phá giá đồng đô-la. Còn về tổng thể, khó có thể tưởng tượng ra
một cơ quan nhà nước nào lại liên tục thất bại trong các nhiệm vụ trọng tâm
nhất của nó hơn là Fed.
• Trường phái Trọng tiền
Trọng tiền (monetarism) là một trường phái kinh tế gắn liền nhất với tên
tuổi của Mil ton Friedman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976.
Nguyên lý căn bản nhất của trường phái này là: các thay đổi trong cung tiền
tệ là nguyên nhân quan trọng nhất làm thay đổi GDP. Những thay đổi này
của GDP, khi được đo lường bằng đồng đô-la, có thể được chia làm 2 bộ
phận cấu thành: phần “thực chất”, mang lại các món lợi thực sự, và phần “do
lạm phát”, chỉ tạo ra các lợi nhuận ảo. Lấy phần GDP tăng trưởng “thực
chất” cộng với phần tăng “do lạm phát” sẽ biết được sự gia tăng của GDP
danh nghĩa, tính theo đồng đô-la.
Đóng góp của Friedman nhằm chứng minh rằng tăng lượng cung tiền để
tăng sản lượng đầu ra chỉ có hiệu quả đến một mức giới hạn nào đó; còn khi
vượt giới hạn này thì mọi sự gia tăng theo danh nghĩa đều là do lạm phát
chứ không phải là thực chất. Trên thực tế, Fed có thể in tiền để đạt tăng