vật liệu và thiết bị của thợ sơn. Tiền vận hành đúng y như viên pin. Pin được
nạp năng lượng, lưu trữ trong một khoảng thời gian và giải phóng năng
lượng khi cần. Tiền cũng tích trữ năng lượng theo cách thức y như vậy.
Hiểu ý nghĩa năng lượng trong tiền là điều cần thiết để có thể áp dụng
nghiên cứu của Chais son đối với vận hành thực tế của các thị trường và xã
hội. Chaisson thảo luận tại cấp độ vĩ mô nhất thông qua sự ước lượng toàn
bộ con người, mật độ và dòng năng lượng của xã hội loài người. Tại cấp độ
tương tác kinh tế của cá nhân trong xã hội, cần phải có một đơn vị để đo
lường các dòng năng lượng tự do theo nghiên cứu của Chaisson. Tiền chính
là đơn vị thuận tiện nhất và có thể định lượng để đáp ứng mục tiêu này.
Nhà nhân chủng học Joseph A. Tainter đã tận dụng mạch tư duy này khi
đề xuất một phân tích có liên quan mà còn tinh tế hơn về dòng đầu vào – đầu
ra, cũng ứng dụng lý thuyết phức hợp. Để hiểu được lý thuyết của Tainter,
cũng cần sử dụng mô hình “tiền là năng lượng”.
“Món đặc sản” của Tainter là sự sụp đổ của các nền văn minh. Đây từng
là một chủ đề được ưa thích đối với nhiều nhà sử học và sinh viên kể từ khi
sử gia Herodotus ghi chép lại sự phát triển và sụp đổ của nền văn minh Ba
Tư cổ đại trong thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Trong tác phẩm đầy tham
vọng tựa đề Sự sụp đổ của các xã hội phức hợp, Tainter đã phân tích sự sụp
đổ của 27 nền văn minh khác nhau trong suốt thời gian 4.500 năm, từ nền
văn minh Kachin tại cao nguyên Burma ít ai biết cho đến đế chế La Mã và
Ai Cập cổ đại nổi danh. Ông xem xét rất nhiều yếu tố liên quan đến nguyên
nhân sụp đổ, bao gồm việc cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, xâm lược, suy thoái
kinh tế, khuyết tật xã hội, tôn giáo và chính quyền quan liêu thiếu năng lực.
Công trình của ông là một thành tựu xuất sắc về lịch sử, trình bày các
nguyên nhân và quá trình sụp đổ của các nền văn minh.
Tainter cũng dựa trên nền tảng được Chaisson và các nhà lý luận phức
hợp nói chung sử dụng khi minh chứng rằng các nền văn minh cũng là các
hệ thống phức hợp. Ông tranh luận rằng khi cấp độ phức hợp của một xã hội
tăng lên, thì các yếu tố đầu vào cần có để duy trì xã hội đó cũng tăng theo
hàm lũy thừa – đúng như những gì mà Chaisson sau đó lượng hóa khi trình
bày tổng quát về lý thuyết phức hợp. Đối với các yếu tố đầu vào, Tainter