bắt đầu, hệ số Gini của Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47, hoàn
toàn trái ngược với mức thấp nhất từng có là 38,6 (được ghi nhận vào năm
1968 sau hai thập niên ổn định với tiền tệ được đảm bảo bằng vàng). Hệ số
Gini có xu hướng đi xuống trong năm 2007 nhưng lại lên đến gần đỉnh điểm
một lần nữa trong năm 2009 và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Hiện nay
hệ số Gini của Hoa Kỳ đang gần bằng hệ số của Mexico – một xã hội chính
trị đầu sỏ cổ điển với đặc trưng là sự bất bình đẳng trắng trợn về thu nhập và
sự tập trung của cải vào tay của giới tinh hoa.
Một thang đo khác dành cho sự tìm kiếm tô kinh tế của giới tinh hoa là tỷ
lệ giữa thu nhập của nhóm 20% cao nhất so sánh với nhóm sống dưới mức
nghèo khổ. Tỷ lệ này đi từ mức thấp là 7,7 trong năm 1968 lên cao điểm
14,5 vào năm 2010. Xu hướng của cả hệ số Gini lẫn tỷ lệ thu nhập giữa
nhóm giàu và nhóm nghèo tại Hoa Kỳ đều nhất quán với những gì Tainter
thu được khi tìm hiểu các nền văn minh trong giai đoạn sắp sụp đổ. Khi xã
hội mang đến những yếu tố đầu vào tiêu cực cho đại bộ phận người dân, họ
sẽ chọn lựa để tách khỏi xã hội đó và sau cùng gây bất ổn cho chính họ và
cho cả giới tinh hoa.
Trong lý thuyết lợi tức giảm dần này, Tainter tìm ra một biến số lý giải
được sự sụp đổ của nền văn minh. Nhiều nhà sử học truyền thống đã cho
rằng có nhiều yếu tố khiến nền văn minh sụp đổ, chẳng hạn như các trận
động đất, hạn hán hoặc các cuộc xâm lăng của những tộc người man rợ,
nhưng Tainter chứng minh rằng có các nền văn minh đã từng nhiều lần đẩy
lùi các tộc người man rợ trước khi bị xóa sổ, và có các nền văn minh đã từng
nhiều lần phục hồi sau động đất rồi cuối cùng mới bị nạn động đất chôn vùi
vĩnh viễn. Kết cục sau cùng không phải là do sự xâm lược hay động đất, mà
là sự phản ứng. Các xã hội không chịu thuế suất quá đáng hoặc các nghĩa vụ
quá nặng nề sẽ có thể phản ứng mãnh liệt với cơn khủng hoảng và tái thiết
sau thảm họa. Còn các xã hội “sưu cao thuế nặng”, người dân gồng gánh quá
nhiều nghĩa vụ trên lưng sẽ chỉ đơn giản là đầu hàng cơn khủng hoảng. Khi
những tộc người mọi rợ sau cùng cũng tràn ngập Đế chế La Mã, họ đã
không gặp bất cứ sự phản kháng nào từ những người nông dân; mà ngược
lại nông dân còn chào đón những kẻ xâm lược. Nông dân La Mã đã phải