các ngân hàng cho thấy ưu tiên của họ dành cho vàng hơn là ngoại hối trong
khoản dự trữ của họ. Cả hai quan sát như trên là chính xác xét từ góc độ lịch
sử, nhưng hiện tượng này cũng không liên quan gì đến vàng. Giảm tỷ lệ giữa
cung tiền mở rộng với cơ số tiền tệ đâu nhất thiết phải liên quan đến vàng và
việc điều chỉnh này có thể diễn ra mọi lúc – thực ra người ta đã tiến hành
việc này khi giải quyết hậu quả của Cơn hoảng loạn 2008. Dùng vàng thay
cho ngoại hối trong các ngân hàng trung ương là việc có liên quan đến vàng
nhưng một lần nữa lại cho thấy sự chọn lựa chính sách của chính các ngân
hàng trung ương. Các ngân hàng có thể dễ dàng chọn lựa trái ngược và thực
sự gia tăng lượng dự trữ.
Bên cạnh những phản biện như trên dành cho các phân tích lịch sử của
Bernanke, còn nhiều động thái khác mà lẽ ra các quan chức ngân hàng trung
ương đã có thể thực hiện trong thập niên 1930 nhằm khắc phục tình trạng
thắt chặt tiền tệ mà không bị hạn chế bởi vàng. Fed đã có thể mua ngoại tệ
bằng đô-la được phát hành mới, một nghiệp vụ tương tự như hợp đồng hoán
đổi ngoại tệ (swap line) của các ngân hàng trung ương hiện đại, theo đó gia
tăng lượng dự trữ của Hoa Kỳ và nước ngoài để hỗ trợ tăng cung tiền. Đồng
SDR đã ra đời trong thập niên 1960 đúng là để giải quyết vấn đề này khi
lượng dự trữ bị thiếu hụt trong thập niên 1930. Nếu như tái diễn cơn khủng
hoảng thanh khoản toàn cầu theo kiểu khủng hoảng trong thập niên 1930,
SDR có thể được phát hành nhằm cung cấp ngoại hối cơ sở, từ đó có thể
điều chỉnh cung tiền và thương mại tài chính – đúng như tình hình của năm
2009. Việc này có thể được thực hiện nhằm chặn đứng sự sút giảm thương
mại và một cơn Đại Suy thoái toàn cầu. Một lần nữa, cách can thiệp vào
cung tiền như trên có thể được thực hiện mà hoàn toàn không cần quan tâm
đến vàng. Mọi thất bại đều do chính sách, chứ không phải do vàng.
Các ngân hàng trung ương trong thập niên 1930, nhất là Fed và ngân hàng
trung ương Pháp, đã không tăng cung tiền hết mức có thể ngay cả khi chúng
hoạt động theo Bản vị hối đoái vàng. Đây là một trong các nguyên nhân lớn
gây ra Đại Suy thoái; tuy nhiên yếu tố gây hạn chế không phải là vàng mà
đúng hơn là do các ngân hàng trung ương thiếu sự tính toán xa xôi và còn
nhiều ảo tưởng.