Sau chót, siêu lạm phát cho thấy một quốc gia hoàn toàn có khả năng đùa
với lửa khi chấp nhận phá giá tiền giấy, rồi sau đó tìm đến giải pháp cuối
cùng là Bản vị vàng hay các tài sản hữu hình khác (đất đai chẳng hạn) để
vãn hồi trật tự khi có cơ hội – đây chính là những gì mà người Đức đã làm!
Chúng tôi không có ý nói rằng đợt siêu lạm phát năm 1922 ở Đức là kết quả
của một kế hoạch được trù tính cẩn thận, mà chỉ muốn nói là siêu lạm phát
hoàn toàn có thể được sử dụng như một đòn bẩy chính sách. Với siêu lạm
phát, người ta có thể dự đoán được những nhóm người thua cuộc và những
nhóm người thắng cuộc từ nó, cũng như hình dung được một số hành vi
phản ứng nhất định, từ đó nó có thể được sử dụng về mặt chính trị để dàn
xếp các quan hệ kinh tế/xã hội giữa quốc gia đi vay và quốc gia cho vay,
giữa lao động và tư bản; trong khi vàng luôn được giữ như một quân bài dự
trữ để khi cần thì đem ra dùng nhằm dọn dẹp đống đổ nát do lạm phát gây
ra.
Tất nhiên, chi phí của lạm phát là không nhỏ. Lòng tin vào các thể chế
chính phủ tại Đức đã hoàn toàn tiêu tan, cuộc sống bị thiệt hại nặng nề. Tuy
nhiên, những gì đã diễn ra ở đây cho thấy một nước lớn với tài nguyên thiên
nhiên, lao động, tài sản và vàng sẵn có để bảo đảm sự thịnh vượng hoàn toàn
có thể trỗi dậy hầu như nguyên vẹn từ đống tro tàn của siêu lạm phát. Giai
đoạn ngay sau cuộc lạm phát, từ 1924 đến 1929, sản xuất công nghiệp Đức
tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào, kể cả Hoa Kỳ. Trước kia,
các quốc gia thường chỉ từ bỏ Bản vị vàng trong thời chiến, một ví dụ điển
hình là trường hợp của nước Anh tạm dừng việc đổi tiền giấy ra vàng trong
và ngay sau cuộc chiến tranh với Napoleon (thời gian 1803-1815). Còn giờ
đây, nước Đức đã xóa bỏ Bản vị vàng ngay trong thời bình, mặc dù đây chỉ
là một giai đoạn hòa bình khó khăn sau Hiệp ước Versailles. Ngân hàng
trung ương Đức đã chứng minh được rằng trong một nền kinh tế hiện đại,
đồng tiền không gắn với vàng có thể bị phá giá vì những mục tiêu thuần túy
chính trị, và những mục tiêu đó có thể đạt được với hành động phá giá nói
trên. Bài học này hẳn đã được nhiều quốc gia công nghiệp lớn ghi nhớ.
Cùng thời gian lạm phát ở Đức đang leo thang ngoài tầm kiểm soát, đại
diện của các quốc gia công nghiệp lớn gặp nhau tại Hội nghị Genoa (Ý) mùa