cạnh tranh của nền kinh tế theo thời gian. Nhưng Thống đốc Ngân hàng
trung ương Anh lúc đó, Montagu Norman, không chịu tăng lãi suất, một
phần vì ông ta lo ngại những phản đối về mặt chính trị, một phần nữa cũng
vì ông ta cho rằng luồng vàng chảy vào Pháp là do đồng Franc bị phá giá.
Về phần mình, người Pháp cũng từ chối việc định giá lại đồng Franc, chỉ đề
xuất rằng họ sẽ làm điều đó trong tương lai, tất cả những điều này làm gia
tăng bất ổn và khuyến khích sự đầu cơ vào cả đồng Bảng Anh và đồng Franc
Pháp.
Trong một diễn biến khác, nước Mỹ sau lần cắt giảm lãi suất năm 1927 lại
bắt đầu một loạt đợt gia tăng lãi suất vào năm 1928, đều có tác dụng thu hẹp
kinh tế. Những đợt gia tăng lãi suất này đi ngược với những gì Hoa Kỳ cần
làm theo luật chơi của hệ thống Bản vị hối đoái vàng, nếu xét tới vị thế
cường quốc của họ cũng như việc vàng vẫn liên tục chảy vào nước Mỹ.
Nhưng cũng tương tự như những quan ngại mang tính chính trị dẫn tới việc
Anh không tăng lãi suất vào năm 1927, quyết định của Fed tăng lãi suất
trong năm tiếp theo (thay vì giảm) cũng bắt nguồn từ những tính toán nội bộ,
nhất là nỗi lo sợ bong bóng tài sản trong giá chứng khoán tại Mỹ. Nói ngắn
gọn, các thành viên trong cơ chế Bản vị hối đoái vàng luôn đặt lợi ích và
những quan tâm của từng nước lên trên luật chơi chung, do đó mau chóng
phá hỏng sự vận hành trơn tru của hệ thống này.
Ngoài ra, còn có một khiếm khuyết nữa của hệ thống Bản vị hối đoái
vàng, sâu sắc hơn so với sự thiếu phối hợp chung giữa các ngân hàng trung
ương của Anh, Mỹ, Pháp hay Đức, đó chính là giá vàng tính theo đô-la
nhằm mục đích “neo chặt” tiêu chuẩn mới này. Trong thời gian Thế chiến
thứ I, các nước đều phát hành những lượng tiền giấy khổng lồ để tài trợ cho
các khoản nợ chiến tranh, trong khi lượng cung vàng tăng không đáng kể.
Hơn nữa, lượng vàng này cũng không nằm yên mà càng ngày càng chảy
sang Mỹ, trong khi châu Âu chỉ còn dự trữ vàng rất ít. Giờ đây, việc xử lý tỷ
lệ tiền giấy/vàng thời hậu chiến với mức giá vàng như trước chiến tranh đặt
ra những tình huống tiến thoái lưỡng nan sau năm 1919. Giải pháp đầu tiên
là thu hẹp cung tiền giấy để đạt được mức giá vàng thấp như trước chiến
tranh. Phương án này nặng tính giảm phát, và cần có một sự giảm giá mạnh