ngưỡng mộ và cố noi theo mặc dầu đôi khi nó trương ra những bộ điệu hết
sức phản tự nhiên - ông nuôi dưỡng nó bằng bánh mật ong và nếu ông có để
mắt đến mày, đồ quỷ con tội nghiệp, thì chỉ là để nện lên đầu mày mấy nện
bằng cuốn Faust hoặc một cuốn bự trong bộ Lý thuyết về màu sắc của ông
mà thôi.
Nhưng thôi ta hãy trở lại với Rasputin. Với sự trợ giúp của Gretchen
Scheffler, ông đã dạy tôi cả vần chữ cái lớn lẫn vần chữ cái nhỏ, dạy tôi biết
ân cần với đàn bà và an ủi tôi những khi Goethe xúc phạm tôi.
Cùng một lúc vừa học đọc vừa làm bộ ngu dốt, thật chẳng dễ gì. Thậm
chí còn khó hơn cả đóng vai một thằng bé đái dầm như tôi đã từng làm
trong nhiều năm. Bởi vì nói cho cùng, việc đái dầm mỗi buổi sáng chỉ đem
lại bằng chứng thuần tuý vật chất về một khuyết tật mà thực ra tôi không
cần đến. Còn như giả đò ngu dốt có nghĩa là che giấu sự tiến bộ nhanh
chóng của mình, là tiến hành một cuộc đấu tranh thường xuyên với niềm tự
hào trí tuệ mới chớm. Tôi có thể ngầm nhún vai cho qua chuyện người lớn
coi tôi là đứa "dấm đài", nhưng nếu năm này qua năm khác vẫn là một
thằng đần dưới mắt họ, điều đó là một xúc phạm đối với Oskar cũng như
với người dạy dỗ nó.
Lúc tôi thu hồi được mớ sách dưới đống tã lót, Gretchen mừng rỡ reo lên,
cô đã linh cảm thấy thiên chức của mình là nhà giáo. Tôi đã gỡ rối được cho
người đàn bà vô sinh tội nghiệp này thoát ra khỏi đống len và làm cho cô
hầu như hạnh phúc. Thực ra, cô muốn tôi chọn cuốn Bên có và bên nợ làm
sách tập đọc hơn, nhưng tôi một mực không rời Rasputin, đòi hỏi Rasputin
khi cô đưa ra một cuốn sách vỡ lòng phổ thông vào buổi học thứ hai của
chúng tôi và cuối cùng quyết định lên tiếng khi thấy cô cứ tiếp tục lôi ra
những truyện cổ tích như Chú Lùn Mũi dài hay Tôm Bé tí hon. "Rasputin!"
tôi kêu lên, hoặc có khi: "Rasusin!" Thi thoảng, Oskar chơi bài ngu tới số:
"Rasu, Rasu!" Mục đích ‘là để cô Gretchen hiểu thật rõ rành tôi thích tập