cũng là mùa hè, ngay cả vào thời điểm phải thắp nến trên cây Nô-en hoặc đi
lùng những quả trứng cho ngày lễ Phục sinh, ngay cả vào dịp Lễ các Thánh.
Không ở đâu tôi có thể thuận hoà với quyển lịch hơn là dưới những chiếc
váy của bà ngoại tôi.
Nhưng bà hiếm khi cho tôi nương náu dưới cái lều của bà, và ở ngoài chợ
thì lại càng tuyệt đối không. Tôi ngồi bên cạnh bà trên một cái hòm, nhận
một chút gì như là hơi ấm từ cánh tay bà và nhìn những viên gạch đến rồi
đi. Chính ở đây tôi đã học những thuật cám dỗ người của bà tôi. Đồ nghề
của bà là cái túi tiền cũ của ông Vincent Bronski buộc vào một sợi dây. Bà
vứt nó lên mặt tuyết đã rắn lại trên vỉa hè. Không ai ngoài bà tôi và tôi có
thể nhìn thấy sợi dây lẫn với cát xám do xe và người qua lại rắc lên mặt
tuyết trơn.
Các bà nội trợ đi đi lại lại. Mặc dầu hàng của bà tôi giá rất rẻ, họ vẫn
không muốn mua; họ thích được cho không, hoặc nếu có thể, thêm thắt chút
ít. Với tâm thế ấy, một bà nào đó có thể cúi xuống định nhặt cái hầu bao của
ông Vincent, những ngón tay bà ta đã chạm vào nó. Bấy giờ bà tôi mới giật
lưỡi câu, kéo cái con cá ăn mặc đẹp đẽ nhưng hơi bối rối về phía quầy
mình: “Thế nào, bà thân mến, bà ưng thứ gì: một chút bơ giàu kem vàng
óng hay mớ trứng tươi, một gulden hai tá rưỡi?”
Đó là cách bà Anna Koljaiczek bán hàng. Tôi học được ở đó ma thuật của
cám dỗ, không phải cái kiểu cám dỗ đã kéo bọn con trai mười bốn tuổi ở
chung cư chúng tôi xuống hầm nhà chơi trò thầy thuốc-bệnh nhân với con
Susi Kater đâu. Cái đó không mảy may cám dỗ tôi. Tôi tránh nó như tránh
hủi từ sau cái lần bọn tiểu yêu Axel Mischke và Nuchi Eyke, trong vai
người hiến xêrum, và Susi, trong vai bác sĩ, bắt tôi, bệnh nhân, phải nuốt
những thứ thuốc tuy không đầy sạn cát như món xúp gạch nhưng để lại một
dư vị như cá thối rữa. Cám dỗ của tôi là phi vật thể và giữ khoảng cách với
nạn nhân của nó.