đáng làm hơn là đến gặp cảnh sát mà rằng: “Ừm, tôi xin lỗi. Điều này sẽ
không bao giờ tái diễn. Bỗng dưng hiện ra một cái lỗ ở mặt kính và khi tôi
mới hoàn hồn được nửa phần thì đã thấy mình ở cách đó ba khối nhà và
bàng hoàng phát hiện ra một đôi găng da bê đẹp tuyệt trần, chắc là đắc tiền
lắm, nằm gọn trong túi ao ba-đờ-xuy của mình.”
Bởi chừng cảnh sát không tin rằng trên đời lại có phép lạ, nên cả những
kẻ bị bắt với tang vật lẫn những người tự nguyện đến thú tội đều bị phạt
giam từ bốn đến tám tuần.
Thi thoảng tôi cũng bị giam trong nhà vì đương nhiên mẹ ngờ rằng cái
giọng diệt-thuỷ-tinh của tôi có liên quan đến đợt phạm tội này, tuy mẹ rất
thận trọng, không thừa nhận với bản thân, càng không nói gì với cảnh sát.
Đôi khi, Matzerath lên mặt tuân thủ pháp luật, nghiêm nghị tra hỏi tôi.
Tôi không chịu trả lời, lẩn tránh một cách ranh ma đằng sau cái lá chắn tạo
nên bởi cái trống và trạng thái chậm phát triển của đứa trẻ mãi mãi ở tuổi
lên ba. Sau những cuộc hỏi cung như vậy, bao giờ mẹ cũng kêu lên: “Chỉ tại
cái lão lùn đã hôn lên trán nó. Xưa nay Oskar có bao giờ thế đâu. Ngay lúc
trông thấy thế, tôi đã biết là sẽ có chuyện mà”.
Tôi phải thừa nhận là Bebra có một ảnh hưởng lâu dài đối với tôi. Ngay
cả những đợt phạt giam tại gia cũng không ngăn nổi tôi “trốn trại” khoảng
một tiếng gì đó, bất cứ lúc nào có thể; thời gian có đủ cho tôi cất giọng
khoét cái lỗ tròn khét tiếng trên mặt kính một cửa hàng và biến một thanh
niên đầy triển vọng, ngẫu nhiên bị những hàng bày cám dỗ, trở thành chủ
nhân của một chiếc cà-vạt màu vang đỏ bằng lụa tinh chất.
Nếu quý vị hỏi tôi: phải chăng cái ác đã sai khiến Oskar gia tăng thêm sự
cám dỗ vốn đã rất mạnh của một tủ kính cửa hàng bóng loáng, bằng cách
mở một lỗ có thể thò tay qua? thì tôi phải trả lời: Vâng, đó là cái ác. Dù chỉ
là do tôi nấp trong bóng tối của những cửa vào: hẳn ai cũng biết cửa vào
nhà là nơi trú ngụ ưa thích của cái ác. Mặt khác – đây không phải nhằm