ngọc thì không, và những lăng mộ cổ vẫn còn đầy nhẫn trong khi những
ngón tay đã tiêu từ lâu. Tóm lại, trong đám dòm-tủ-kính, tôi xét thấy người
này thì quá kênh kiệu còn kẻ kia lại quá tầm thường không đáng đeo đồ
châu ngọc.
Tủ kính mặt ngoài cửa hiệu kim hoàn của Bansemer không bày quá nhiều
đồ. Mấy cái đồng hồ chọn lọc, đồ Thuỵ Sĩ hảo hạng, một bộ nhẫn cưới trên
nền nhung xanh da trời và ở chính giữa là sáu-bảy mặt hàng thượng thặng.
Một con rắn cuộn ba khúc làm bằng vàng nhiều màu, cái đầu chạm tinh vi
với hai viên xa-phia làm mắt, được tôn giá trị và rực rỡ thêm bởi một viên
hoàng ngọc và hai hột xoàn. Bình thường, tôi vốn không thích nhung đen,
nhưng cái miếng nhung đen trên đó Bansemer đặt con rắn thì thật là hợp,
cũng như miếng nhung xám toát ra một sự tĩnh lặng khêu gợi dưới những
đồ bạc chạm trổ hết sức hài hoà. Một chiếc nhẫn gắn hạt ngọc đẹp đến mức
có thể dám chắc nó sẽ làm lu mờ bất cứ bàn tay đẹp nào đeo nó và ngày
càng đẹp hơn cho tới khi nó đạt đến độ bất tử vốn là đặc quyền của châu
ngọc. Những chuỗi hạt không ai đeo vào mà không bị trừng trị vì mọi cái cổ
mang chúng đều sẽ lộ rõ nét thô kệch. Và cuối cùng, trên một nệm nhung
vàng nhạt được tạo hình đơn giản như một cái cổ, là một bộ dây chuyền cực
nhẹ. Kết cấu tinh vi mà như đùa giỡn, một mạng tơ tưởng chừng chỗ nào
cũng có thể đứt. Con nhện nào có thể thả tơ vàng để bặt bảy viên hồng
ngọc, sáu nhỏ một lớn, trong mạng lưới này? Và con nhện ấy đâu, nó mai
phục cái gì? Chắc chắn không phải để bắt thêm những viên hồng ngọc, mà
nhằm một người nào đó thì đúng hơn; một người bị hút mắt vào những viên
hồng ngọc sa lưới nằm đó như những giọt máu đóng khuôn – nói cách khác:
tôi nên cho ai bộ dây chuyền ấy cho phù hợp với kế hoạch của tôi và của
con nhện nhả tơ vàng?
Đêm mười tám tháng giêng năm 1937, một đêm mưa tuyết tỏa ra cái mùi
như dự báo tuyết còn tiếp tục rơi, một đêm thuộc loại dành cho ai muốn đổ
thừa cho tuyết phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì có thể xảy ra, tôi
trông thấy, trên lớp tuyết đã rắn lại xào xạo dưới chân người, Jan Bronski