Chúng tôi có một tấm biển bằng các-tông với dòng chữ "Đóng cửa mừng
ngày Thứ Sáu Thánh” trên một mặt và "Đóng cửa mừng Lễ Thánh Thể" [1]
mặt kia. Vào ngày Thứ Sáu Thánh liền sau cái ngày Thứ Hai Khổ Hình lỡ
cả trống lẫn giọng ấy, Matzerath treo mặt có dòng chữ "Đóng cửa mừng
ngày Thứ Sáu Thánh" ra ngoài, và ngay sau khi ăn điểm tâm, chúng tôi đáp
tàu điện đi Brösen. Để tiếp tục duy trì mạch từ ngữ tôi đã dùng: quang cảnh
ở Labesweig cũng hai mặt. Những người Tin Lành đi lễ nhà thờ còn những
tín đồ Thiên Chúa giáo thì lau rửa tủ kính, mặt hàng, cửa sổ bóng loáng và
đem ra sân sau tất cả những gi từa tựa như một cái thảm mà đập thật mạnh
thật vang đến mức tưởng chừng hàng ngàn Đấng Cứu Thế đang cùng một
lúc bị đóng đanh trên hàng ngàn cây Thánh Giá.
Tuy nhiên, Gia Đình Thánh chúng tôi - gồm mẹ tôi, Matzerath, Jan
Bronski và Oskar - bỏ lại sau lưng cuộc đập thảm mùa Khổ Hình, đáp
chuyến xe điện số 9 xuôi đường Brösener-Weig qua sân bay, bãi tập cũ và
bãi tập mới, dừng ở một đường tránh gần nghĩa trang Saspe chờ chuyến xe
ngược chiều, tuyến
Neufahrwasser-Brösen, đi qua. Nhân lúc chờ đợi, mẹ thốt lên những suy
nghĩ buồn thảm, tuy bằng lời lẽ nhẹ nhàng. Xinh xắn, lãng mạn và quyến rũ
thay cái nghĩa trang nhỏ hoang phế này với những bia mộ xiêu vẹo, đầy rêu
dưới những cây thông khẳng khiu, mẹ nói.
"Tôi những muốn sau này sẽ nằm ở đây nếu như nghĩa trang này còn hoạt
động", mẹ mơ màng thổ lộ. Nhưng Matzerath, chê đất ở đây quá nhiều cát,
lại đầy cây ké gai và yến mạch dại. Jan Bronski thì cho là tiếng ồn của sân
bay và những khúc ngoặt bẻ ghi gần đấy của xe điện có thể phá rối sự yên
tĩnh của cái nơi lẽ ra rất thanh bình này.
Chuyến xe Neufahrwasser-Brosen vòng qua chúng tôi, người lái rung
chuông hai lần và xe chúng tôi đi tiếp, bỏ lại sau lưng Saspe và khu nghĩa
trang, hướng tới Brösen, bãi biển này, vào cuối tháng tư năm ấy, nom thật
cám cảnh: các quầy giải khát bịt kín bằng ván gỗ, sòng Casino đóng chặt,