trước khi đến Neufahrwasser - mới khiến anh có thể chế ngự được cái tháp
Babe [5] ở bar ‘‘Thụy Điển’’ với thứ thổ ngữ Hạ Đức ngoại ô của anh pha
trộn với dăm ba câu tiếng Ăng-lê và Ba Lan. Ngay cả như thế, mỗi tháng
anh cũng phải một, hai lần về nhà bằng xe cấp cứu, ngoài ý muốn của anh
nhưng được cái là miễn phí.
Sau đó, Herbert phải nằm xấp trên giường mà thở rốc mấy ngày vì anh
nặng ngót nghét một tạ. Những hôm ấy, Mamăng Truczinski luôn mồm ca
cẩm trong khi luôn chân luôn tay chăm sóc anh. Mỗi lần thay băng xong, bà
lại rút một chiếc kim đan ở búi tóc ra gõ gõ lên mặt kính một tấm ảnh có
sửa thêm treo đối diện với giường Herbert. Đó là ảnh một người đàn ông để
ria, mắt nhìn đăm đăm, rất giống một vài người để ria ở những trang đầu
cuốn album ảnh của tôi.
Tuy nhiên, cái ông mà Mamăng Truczinski lấy kim đan chỉ vào không
phải là thành viên của gia đình tôi, đó là cha của Herbert, Guste, Fritz và
Maria.
“Rồi một ngày kia, anh cũng sẽ kết thúc giống như bố anh thôi”, bà cằn
nhằn anh chàng Herbert đang rên rẩm. Nhưng bà không bao giờ nói rõ ràng
là người đàn ông trong bức ảnh lồng khung sơn mài đen kia đã chết như thế
nào, đã đi tìm và gặp cái kết thúc của mình ở đâu.
"Lần này thì xẩy ra chuyện gì?" bên trên đôi cánh tay khoanh trước ngực,
bộ mặt chuột nhắt với mái tóc tro xám hỏi.
"Như mọi khi. Bọn Thụy Điển và Na Uy." Cái giường cót két khi Herbert
chuyển thế nằm.
"Như mọi khi, như mọi khi. Đừng có nói với tôi rằng vẫn là những thằng
ấy. Lần trước là những gã ở tàu tập huấn, tên nó là gì hả, nói nghe nào, à
phải rồi, tàu Schlageter. Đúng là thế rồi mà anh thì định bịp tôi là bọn Thụy
Điển với Na Uy.