trong những bài thuyết pháp xám hối. Vua Ba Lan, được thành phố Danzig
này dâng nàng như một tặng phẩm, đã mang nàng theo khắp các nơi hạ trại
và đã nghe theo những lời khuyên xấu xa của nàng. Người đàn bà gỗ ấy đã
làm hại những chiến dịch Thụy Điển chống thành phố này đến mức nào và
dính dáng đến đâu với vụ bắt giam lâu dài Tiến sĩ Aegidius strauch, một
người sùng đạo đã âm mưu cùng bọn Thụy Điển và cũng đòi phải đốt người
đàn bà xanh khi mà nàng đã lọt trở vào trong thành, những điều đó chúng
tôi không biết. Có một lời đồn đại khá mập mờ rằng một thi sĩ tên là Opitz
[2], chạy trốn từ Silesia, được phép cư trú tại thành phố mấy năm, nhưng đã
chết sớm vì đã tìm thấy cái hình khắc độc hại đó trên một gác xép và định
làm thơ ca ngợi nàng.
Mãi đến cuối thế kỷ 18, vào thời kỳ Ba Lan bị chia cắt, mới có những
biện pháp hữu hiệu chống lại nàng. Người Phổ, sau khi dùng vũ lực chiếm
thành phố, đã ra một chiếu chỉ của vua Phổ cấm ngặt cái " hình gỗ Niobe".
Lần đầu tiên nàng được chỉ đích danh trong một tài liệu chính thức và đồng
thời được chuyển đến, hay đúng hơn, bị giam vào Tháp Công Lý, nơi mà
Paul Beneke đã bị dìm chết trong sân và từ đó tôi đã thử lần đầu tiên hiệu
quả tầm xa của giọng mình. Có lẽ khiếp sợ trước những sản phẩm tinh vi
của trí tưởng tượng con người mà tôi đã có dịp kể qua (nàng bị giam ở
phòng tra tấn), nàng đã im để không giở giói gì suốt cả thế kỷ 19.
Năm 1925, khi tôi trèo lên đỉnh Tháp Công Lý và ra giọng công phá
những cửa sổ Nhà hát thành phố, thì ơn Chúa, Niobe - tên dân gian là "Con
Miu Xanh" - đã được mang đi khỏi phòng tra tấn từ lâu rồi. Nếu không thì
ai mà biết được liệu cuộc tấn công của tôi vào tòa kiến trúc tân-cổ điển kia
có thể thành công hay không?
Chắc Giám đốc Bảo tàng phải là một gã ngu dốt từ nơi khác đến nhập cư
vào thành phố nên mới đi rước lấy nàng Niobe hiểm độc đang được khống
chế trong phòng tra tấn và, ít lâu sau khi lập quy chế Thành phố Tự do, đem
nàng về đặt trong cái Bảo tàng Hải quân tân lập này… Chẳng bao lâu sau,