ông ta chết vì nhiễm độc máu: vị quan chức quá hăng hái này đã tự chuốc
lấy hiểm họa khi đóng một cái biển chỉ dẫn rằng cô gái trưng bày bên trên
là một hình trang trí mũi tàu có tên là Niobe. Người kế tục ông, một con
người thận trọng biết rõ lịch sử của thành phố, muốn thải Niobe; ý của ông
ta là đem cô gái nguy hiểm bằng gỗ ấy tặng cho thành phố Lubeck. Và chỉ
nhờ nhân dân Lübeck từ chối mà cái thành phố nhỏ bên bờ sông Trave đã
tồn tại qua các cuộc không kích gần như nguyên vẹn, nếu không kể những
ngôi nhà thờ bằng gạch bị phá.
Và như thế, Niobe hay "Con Miu Xanh" ở lại Bảo tàng Hải quân và trong
khoảng thời gian mười bốn năm, đã gây ra sự lìa đời của ba vị giám đốc -
trong đó không có ông thận trọng, ông này đã xin chuyển đi nơi khác -, sự
viên tịch của một giáo sĩ già đứng dưới chân nàng, cái chết bạo liệt của một
sinh viên trường cơ khí và hai học sinh vừa tốt nghiệp trường trung học
Thánh Pierre và sự ra đi mãi mãi của bốn nhân viên bảo tàng tận tuy, trong
đó ba người đã có gia đình. Tất cả, khi họ được tìm thấy, đều có bộ mặt
biến dạng, kể cả chàng sinh viên cơ khí, và trong ngực có những vật nhọn
thuộc loại chỉ có thể thấy ở những bảo tàng hải quân: dao găm thủy thủ, lao
móc săn cá voi, mũi xiên được chạm tinh vi của Bờ Biển Ngà, kim khâu
buồm; chỉ có cậu học sinh cuối cùng là buộc phải " tự túc", thoạt tiên dùng
con dao nhíp của mình rồi đến cái com-pa học sinh, bởi vì trước đó không
lâu, tất cả các vật nhọn trong bảo tàng đều được cột chặt vào dây xích hoặc
cất trong tủ kính.
Mặc dầu trong tất cả những trường hợp trên, cảnh sát cũng như nhân viên
điều tra tử nạn đều nói đến " tự tử bi thảm", trong thành phố vẫn lan truyền
một tin đồn, được phản ánh cả trên mặt báo, rằng: "Con Miu Xanh đã tự tay
làm chuyện đó". Người ta thực sự ngờ Niobe đã cho mấy ông mấy cậu nọ
xuống âm phủ. Dư luận không ngớt bàn cãi. Các báo dành nhiều cột đặc
biệt cho ý kiến bạn đọc về "vụ Niobe".Chính quyền thành phố cho đó là
thói mê tín dị đoan lỗi thời và nói rằng họ không hề có ý định hành động