Qua khỏi Wloclawek, Dückerhoff dí ngón tay trỏ vào áo va-rơi của
Koljaiczek:
“Nói nghe nào, Wranka, có phải trước đây cậu đã từng làm việc ở xưởng
cưa Schwetz? Vào cái năm xưởng bị cháy ấy?”
Koljaiczek nặng nề lắc đầu như thể cổ ông bằng gỗ, đồng thời nhuốm
được vào cái nhìn của mình một vẻ rầu rĩ và mệt mỏi đến nỗi Dückethoff
không nỡ gặng hỏi thêm nữa.
Đến Modlin, nơi sông Bug đổ vào sông Vistula, tàu Radaune rẽ vào sông
Bug và Koljaiczek cúi mình trên lan can tàu nhổ xuống nước ba lần như
cánh chở bè thời đó vẫn thường làm theo thông lệ. Dückerhoff đứng bên với
một điếu xì-gà và hỏi xin lửa. Chữ ‘lửa’ và chữ ‘diêm’ đi liền theo làm
Koljaiczek sởn da gà.
“Này! đằng ấy không việc gì phải đỏ mặt lên như thế khi tớ hỏi xin lửa.
Đằng ấy là con gái hay sao vậy?”
Mãi đến khi đi khỏi Modlin một quãng khá xa, Koljaiczek mới hết đỏ
mặt, hiển nhiên ông đỏ mặt không phải vì hổ thẹn mà đó là hồi quang muộn
mằn của những xưởng cưa mà ông đã phóng hoả.
Vậy là, ngược sông Bug, giữa Modlin và Kiev, qua kênh đào nối sông
Bug với sông Pripet cho đến sông Dniepr, chẳng có lời lẽ gì đặc biệt bõ kể
lại trong cuộc đối thoại Koljaiczek-Dückerhoff. Dĩ nhiên, theo lẽ thường, có
thể đã xảy ra lục đục bất hoà giữa cánh chở bè với nhau, giữa cánh chở bè
với đám thợ đốt lò trên tàu, giữa người cầm lái, đám thợ đốt lò và thuyền
trưởng, giữa thuyền trưởng và các hoa tiêu thay đổi soành sạch. Tôi có thể
dễ dàng mường tượng những cuộc cãi lộn giữa những tay chở bè người
Kashubes và gã lái tàu quê quán ở Stettin, thậm chí cả bước sơ khởi của
một dấy loạn: hội họp ở khoang sau, bốc thăm, trao đổi mật hiệu, mài dao
kiếm. Nhưng thôi, xin đủ những thứ đó. Không có gây rối chính trị, không