thôi không còn để ý gì đến thế giới xung quanh. Điều gì đã xảy ra vậy?
Điều gì đã khiến con người làm vườn trước kia xiết bao cởi mở và chan
hoà, trở nên lầm lì như thế? Điều gì đã biến ông thành một người trung niên
cô độc, lập dị và khá lôi thôi lếch thếch?
Đám thanh thiếu niên đã thôi không đến thăm ông. Thế hệ mới không
biết ông. Đám tuỳ tùng của ông từ thời hướng đạo sinh đã bị chiến tranh
tung hê đi các ngả. Từ các mặt trận khác nhau, thư gửi về, rồi chỉ có bưu
thiếp và một hôm, qua một nguồn gián tiếp, Greff được tin cục cưng của
ông Horst Donath, mới đầu là hướng đạo sinh, rồi tiểu đội trưởng, sau lên
trung uý, đã ngã xuống bên bờ sông Donetz.
Từ hôm ấy, Greff bắt đầu già đi, không thiết đến vẻ bề ngoài và chỉ dồn
hết mình vào công việc sáng chế, đến nỗi trong cửa hàng, các loại máy kêu
leng keng, máy gào rú trở nên nhiều hơn cả khoai tây hoặc bắp cải. Cố
nhiên, điều đó phần nào cũng do tình hình thiếu lương thực nói chung,
những đợt giao hàng ngày càng thưa thớt và nhỏ giọt và trên thị trường bán
buôn, Greff không phải là một khách mua sộp có nhiều quan hệ tốt như
Matzeratn.
Cửa hàng nom thật thiểu não; cũng may là còn có những cái máy to mồm
dấm dớ của Greff chiếm lỉnh không gian như một nét trang trí dị biệt tức
cười. Tôi thích những sáng tạo nảy ra từ đầu óc ngày càng lộn xộn của
Greff. Bây giờ đây, mỗi khi nhìn những hình dây thắt nút của gã y tá Bruno,
tôi lại nhớ đến những đồ trưng bày của Greff. Và hệt như Bruno thích thú
khi thấy tôi tủm tỉm cười nhưng thực sự quan tâm đến những trò tiêu khiển
nghệ thuật của gã, Greff, theo cái cách ngu ngơ của mình, cũng sướng rơn
khi tôi tỏ ra khoái một trong những cái máy khí nhạc của ông. Con người
bao năm nay không mảy may để ý đến tôi, nay bỗng thất vọng ra mặt khi,
sau nửa tiếng đồng hồ, tôi tạm rời cửa hàng rau quả kiêm xưởng chế tác của
ông để vào thăm vợ ông, Lina Greff.