trưỡng bước dăm bảy bước trên những thanh tà-vẹt và đá vụn trước khi suýt
đâm sầm phải Bebra đang đứng đợi tôi trong đêm tốt mịt.
“Nghệ sĩ đánh trống kỳ tài của chúng ta đây rồi!” đại uý hề lùn reo lên.
Dặn nhau phải cẩn thận, chúng tôi mò mẫm vượt qua những đường tàu và
nhánh rẽ, mất phương hướng giữa mê cung những toa chở hàng, và cuối
cùng tìm thấy đoàn tàu chở quân nhân đi phép, trên đó có một buồng toa
dành cho đoàn của Bebra.
Oskar trước đây đã nhiều lần đi xe điện, bây giờ gã sắp sửa được đi tàu
hoả. Khi Bebra đẩy tôi vào buồng toa, Raguna mỉm cười ngước mắt lên
khỏi một cái gì nàng đang khâu dở và hôn vào má tôi. Vẫn mỉm cười,
nhưng không ngừng khâu, nàng giới thiệu hai thành viên khác của đoàn:
các nghệ sĩ nhào lộn Felix và Kitty. Kitty tóc vàng như mật ong, tầm vóc
xấp xỉ Raguna và không thiếu sức hấp dẫn mặc dù da hơi xam xám. Cái
giọng Xăcxông lơ lớ lại càng tăng thêm nét duyên ở cô. Nghệ sĩ nhào lộn
Felix chắc hẳn là người cao nhất trong đoàn. Anh ta chắc phải cao gần một
mét hai. Tội nghiệp anh chàng mặc cảm vì kích thước quá khổ của mình. Sự
xuất hiện của tôi với tầm vóc thon thả chín mươi tư xăngtimét càng khiến
anh ngượng nghịu hơn bao giờ hết. Khuôn mặt nhìn nghiêng của anh từa
tựa như mặt một con ngựa đua thuần chủng, khiến Raguna gọi anh là
“Cavallo” (ngựa) hay “Felix Cavallo”. Giống như Đại uý Bebra, anh chàng
tài tử nhào lộn mặc một bộ quân phục màu xám, nhưng chỉ đeo quân hàm
trung sĩ thôi. Hai nàng cũng mặc đồ xám cắt theo kiểu y phục đi đường,
nom không hợp lắm. Cái mà Raguna đang khâu cũng màu xám; hoá ra đó là
bộ quân phục tương lai của tôi. Felix và Bebra đã mua vải, Roswitha và
Kitty thay phiên nhau khâu, càng lúc càng xén bớt vải cho đến khi cả quần
áo lẫn mũ đều vừa vặn khổ người tôi. Còn về giày thì có lục khắp các kho
quân nhu của Wehrmacht để kiếm một đôi vừa cỡ Oskar, cũng vô ích. Tôi
đành phải bằng lòng với đôi giày dân sự của mình và chẳng bao giờ được
phát ủng của quân đội.