dằn vặt như vậy, Oskar, người cha đau khổ, thức giấc từng giờ, đưa tay mò
mẫm trong bóng tối để biết chắc rằng Roswitha vẫn đó, hít cái mùi của
nàng; Roswitha thoang thảng mùi quế, mùi đinh hương giã nhỏ và mùi hạt
hồi; cái mùi gia vị tiền-Giáng sinh đó vẫn lưu lại ở nàng cả trong mùa hè.
Buổi sáng, một chiếc xe tải bọc thép đến trại. Chúng tôi đứng ở cổng,
chuyện gẫu trong gió biển; sáng sớm, trời lạnh bọn tôi đều hơi run rẩy.
Chúng tôi lên xe: Bebra, Roswitha, Felix và Kitty, Oskar và một trung uý
tên là Herzog đưa chúng tôi đến khẩu đội của anh ta ở phía tây Cabourg.
Nói rằng miền Normandie xanh rờn là không đếm xỉa đến những con bò
lốm đốm nâu-trắng đang nhai lại trên những cánh đồng mờ mờ, ướt sương
dọc theo hai bên xa lộ thắng tắp. Chúng chào đón chiếc xe bọc thép của bọn
tôi một cách dửng dưng đến nỗi, giá như không được sơn ngụy trang từ
trước, thì lớp vỏ thép ắt phải đỏ mặt vì xấu hổ. Những hàng dương, những
bờ rào, những cây leo, những khách sạn bãi biển đầu tiên, đồ sộ mà trống
rỗng, với những cánh cửa sổ lách cách trước gió. Chúng tôi rẽ vào con
đường di dạo ven biển, xuống xe và hì hụi đi theo viên trung uý (tay này
biểu lộ với đại uý Bebra một vẻ kính trọng chiếu cố tuy đúng quy cách nhà
binh) qua những cồn cát, ngược một con gió đầy cát và bụi sóng.
Đây không phải là biển Baltic xanh mướt, dịu dàng, thổn thức như một cô
gái ủy mị, chờ đón tôi. Đây là Đại Tây Dương đang tiếp tục cuộc thao diễn
vĩnh hằng của nó - tiến công lúc triều lên và rút lui khi triều xuống.
Và đây, bê-tông ở ngay gần kề. Chúng tôi có thể ngắm nó, thậm chí vuốt
ve nó thoả thích; nó trơ trơ, không động đậy. "Nghiêm!" ai đó ở trong khối
bê-tông hô. Và người đó, cao như cái sào, nhảy ra từ cái công sự phòng thủ
có hình dáng một con rùa bèn bẹt, nằm giữa những cồn cát, được đặt tên là
"Dora-7", đang chĩa những lỗ châu mai, những khe ngắm và những nòng
súng máy về phía thuỷ triều lên xuống. Đó là trung sĩ Lankes đến báo cáo
trung uý Herzog và đại uý Bebra.