dàng làm ta - và có thể cả con nữa - ứa nước mắt, đó là mẹ tội nghiệp của
ta, bà nội của con; bà chết bởi món xúp lươn vì tim bà quả mềm yếu."
"Kể nữa đi, cha, kể nữa đi," bé Kurt ắt sẽ gặng thêm. "Thế cái ông có ria
là ai?"
Với một vẻ bí ẩn, tôi sẽ hạ thấp giọng hơn nữa: "Đó là Joseph Koljaiczek,
cụ ngoại của con. Hãy nhìn kỹ đôi mắt loé chớp bốc lửa kia, nhìn kỹ sự dữ
dằn thần thánh rất Ba Lan kia và cái chất Kashubes tinh quái thực dụng của
vầng trán kia. Hãy quan sát những cái màng giữa các ngón chân cụ. Vào
năm 1913, khi hạ thuỷ tàu Columbus, cụ đã trốn dưới gầm một bè gỗ. Sau
đó cụ phải bơi một chặng đường dài; cụ bơi mãi, bơi mãi cho đến khi tới
Mỹ và trở thành triệu phú. Nhưng thi thoảng, cụ lại xuống nước, bơi trở về
và hụp lặn ở đây, nơi lần đầu tiên trong khi trốn chạy, cụ tìm thấy sự che
chở và góp phần tạo ra mẹ ta."
"Nhưng còn cái ông đẹp trai nấp sau cái bà mà cha bảo là bà nội của con,
cái ông giờ đang ngồi xuống cạnh bà nội và vuốt tay bà? Mắt ông ấy cũng
xanh y hệt mắt cha, cha à!"
Bấy giờ tôi, đứa con ngoại hôn và phản trắc, sẽ phải lấy hết can đảm để
trả lời con trai yêu quý của tôi: "Chính là những con mắt xanh mơ mộng
của dòng họ Bronski đang nhìn con đó. Mắt con màu xám, giống mắt mẹ
con. Tuy nhiên, cũng như ông Jan (người đang hôn tay mẹ tội nghiệp của ta
kia) hay cụ Vincent thân sinh ra ông, con cũng là một thành viên của dòng
Bronski, một kẻ mơ mộng tuyệt đối nhưng với một khía cạnh thực tế rất
Kashubes. Một ngày kia chúng ta sẽ trở lại đó, một ngày kia ta sẽ ngược về
nguồn, nơi phả ra cái mùi bơ khăn khẳn ấy. Đó là điều mong đợi."
Hồi ấy, tôi cảm thấy cuộc sống gia đình đích thực chỉ có thể có được
trong "nội vi" hay theo cách tôi gọi đùa, trong cái hũ bơ của bà ngoại tôi.
Bây giờ, nhiều cái đã thay đổi. Với một cái búng tay, tôi có thể sánh ngang,
nếu không muốn nói là vượt, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và, quan trọng