đỉnh, nhưng cũng chả được bao nhiêu: thử hỏi, vào cái năm 17 ấy thì còn có
gì mà bán với chác?
Căn phòng nhỏ - trống vắng từ khi ông thợ làm thuốc súng chết, vì mẹ
tôi, vốn sợ ma, nhất định không chịu ở đó - về sau được xếp cho anh họ mẹ
tôi là Jan Bronski hồi đó vừa hai mươi tuổi; sau khi tốt nghiệp trường trung
học ở Karthaus và qua một thời gian tập sự ở trạm bưu diện huyện, Jan rời
Bissau và cha để đi lập nghiệp với tư cách là viên chức Sở bưu chính
Danzig-I. Ngoài chiếc va-li, Jan mang theo một bộ sưu tập tem đồ sộ góp
nhặt từ hồi bé thơ. Quý vị thấy đó, sự gắn bó của ông với bưu chính vượt xa
mối quan tâm nghề nghiệp; thực vậy, ông có một thứ tình cảm ân cần riêng
tư đối với ngành hành chính này. Chàng thanh niên lẻo khoẻo với dáng đi
lòng khòng này, bù lại, có một khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, có lẽ hơi quá
dịu dàng và đôi mắt đủ xanh để khiến mẹ tôi - bấy giờ đã mười bảy - phải
lòng. Đã ba lần Jan ra trước hội đồng tuyển quân, nhưng lần nào cũng bị trả
về vì gầy yếu đến thảm hại. Điều này nói lên quá rõ thể chất của Jan
Bronski bởi hồi đó mọi kẻ thuộc giống đực còn tàm tạm đứng thẳng được
đều bị dồn xuống tàu chở đến Verdun để chuyển tư thế từ thẳng đứng sang
nằm ngang vĩnh viễn.
Chuyện huê tình của họ hẳn đã bắt đầu khi hai mái đầu trẻ kề bên nhau
cùng xem những cuốn album tem, cùng ngắm nghía đường răng cưa và
hình soi của những chiếc tem quý. Trong thực tế, nó bùng nổ khi Jan bị gọi
tuyển lính lần thứ tư. Mẹ tôi, có việc lên tỉnh, đã theo ông đến tận quân khu
và đứng chờ bên ngoài chòi gác của một tay dân quân. Hai người đã nhất trí
với nhau rằng lần này Jan phải đăng lính bằng mọi giá để được đưa sang
Pháp, ở đó không khí nổi tiếng là chứa nhiều thành phần sắt và chì có thể sẽ
chữa lành hai lá phổi ọp ẹp của Jan. Có lẽ mẹ tôi đã đếm đi đếm lại số khuy
trên bộ đồng phục của tay dân quân và mỗi lần kết quả một khác. Tôi có thể
dễ dàng hình dung hàng khuy của mọi bộ quân phục đều được sắp xếp sao
cho khi đếm đến chiếc cuối cùng bao giờ cũng là Verdun, là