từ Vogelsang trên sông Nehrung dọc sông Nogar đến Pieckel, xuôi theo
sông Vistula đến Czankau, cắt thẳng góc tới tận Schönfliess, vòng quanh
khu rừng Saskoschin đến Hồ Ottomin, bỏ Mattern, Ramkau và vùng Bissau
của mẹ tôi lại một bên và quay về Biển Baltic ở điểm KleirpKatz - được
tuyên bố là một Bang tự do dưới sự kiểm soát của Hội Quốc Liên. Ngay
trong địa phận bang này, Ba Lan được một cảng miễn thuế: cảng
Westerplatte gồm cả kho đạn dược, sở hỏa xa và một nhà bưu điện riêng
trên Quảng trường Hevelins.
Trong khi tem bưu chính của Bang tự do loè loẹt những màu vàng, đỏ của
huy hiệu phường buôn thì những người Ba Lan dán trên bì thư của mình
những cảnh minh họa truyền sử về Casimir [1] và Bathory [2] thuần một
màu tím thê lương.
Jan Bronski theo Ba Lan nên chuyển sang làm ở Sở Bưu Chính Ba Lan.
Hành động này xem ra có vẻ hồn nhiên song nhiều người lại cho đó là một
phản ứng với sự không chung thủy của mẹ tôi. Năm 1920, khi Marszalek
Pilsudski đánh bại Hồng quân trước cửa ngõ Vacxava, cái phép thần kỳ mà
ông Vincent Bronski cho là do Đức Mẹ Mary Đồng Trinh, còn các chuyên
gia quân sự thì gán cho tướng Sikorski hoặc tướng Weygand, phải, vào cái
năm rất đậm nét Ba Lan ấy, mẹ tôi đính hôn với Matzerath, công dân của
Đế chế Đức. Tôi đồ rằng cuộc đính hôn này chẳng làm bà ngoại tôi thích
thú gì hơn bác Jan. Để lại cho con gái cái cửa hàng dưới tầng hầm ở Troyl
mà bà đã gây dựng nên phát đạt, bà rút về Bissau ở với ông anh Vincent, và
trên lãnh thổ Ba Lan, lại sắn váy quai cồng quản lý cái nông trại với những
cánh đồng củ cải và khoai tây như thời kỳ tiền-Koljaiczek. Để cho ông anh
đầy lòng biết ơn mặc sức trò chuyện với Đức Mẹ Đồng Trinh - Hoàng Hậu
Ba Lan, bà trở lại ngồi bệt dưới đất trong bốn chiếc váy trước đống lửa mồi
bằng vỏ khoai tây khô mà hấp háy mắt nhìn về phía chân trời vẫn ngắt từng
đoạn bởi những cột điện báo.