đất là quá sức đối với ông. Già Heilandt múa xẻng với sự dẻo dai đều đặn
của một người tìm vàng, hất đất ra đằng sau và thở khói thuốc cũng theo
nhịp đều đặn như thế. Hai gã nhóc Nga ngồi chồm chỗm trên tường nghĩa
trang cách chúng tôi mấy bước, chuyện gẫu trong gió. Trên đầu, máy bay và
một mặt trời mỗi lúc một chín nẫu.
Họ đã đào được khoảng một mét sâu. Oskar đứng nhàn rỗi và bối rối giữa
đám gra-nít già cỗi, giữa đám thông còi cọc, giữa vợ goá của Matzerath và
một thằng bé Kurt ném đá nhằm một con vẹt xanh.
Tôi có nên hay không nhĩ? Mày sắp tròn hai mốt tuổi rồi, Oskar. Mày có
nên hay không? Mày là đứa mồ côi. Thực ra, mày nên đấy, đã đến lúc rồi.
Khi mẹ tội nghiệp của mày chết, mày mới mồ côi một nửa. Đó là lúc mà
đáng ra mày đã phải quyết định rồi. Sau đó, người ta đặt Jan, ông bố giả
định của mày dưới một lớp đất, khiến mày thành một đứa mồ côi coi như là
toàn phần. Mày đứng đó, trên khu đất cát tên là Saspe này, tay cầm một cái
vỏ đạn hơi bị oxy hóa. Trời mưa và một chiếc máy bay Ju- 52 đang sắp sửa
hạ cánh. Phải chăng câu hỏi "Tôi có nên hay không?" đã văng vẳng lên từ
lúc ấy, nếu không phải trong tiếng mưa thì là trong tiếng ầm ì của chiếc máy
bay vận tải đang hạ cánh? Mày tự nhủ: đó là tiếng mưa, đó là tiếng động cơ
máy bay; những diễn giải thiếu cảm xúc kiểu ấy, mày có thể đưa vào bất kỳ
một bài văn nào tuỳ thích. Mày muốn mọi thứ phải hoàn toàn rõ ràng chứ
không chỉ ở mức giả định.
Tôi có nên hay không? Gìơ đây, người ta đang đào một cái lỗ cho
Matzerath, ông bố giả định thứ hai của mày. Theo chỗ mày biết, thì mày
không còn ông bố giả định nào khác. Vậy thì tại sao mày vẫn cứ tung hứng
mãi với hai cái chai màu xanh chai tôi-có-nên-hay-không ấy? Còn có ai
khác nữa mà hỏi? Những cây thông còi kia ư? Chính chúng cũng đang tự
vấn tại sao chúng tồn tại.
Tôi chợt thấy một cây thánh giá gầy guộc bằng gang với những nét trang
trí sứt sẹo và dòng chữ sét gỉ: Mathilde Kunkel hay Runkel gì đó. Bấy giờ