của Oskar mà không phải cúi đầu. Lại sốt và lại Lysol. Và tôi nghe thấy
Maria thì thầm những lời bồng bềnh trong nước Lysol: "Miễn sao cậu ta
đừng thành dị dạng! Miễn sao cậu ta đừng có gù! Miễn sao cậu ta đừng có
bị tràn dịch não!"
Ông Fajngold trấn an Maria, kể với nàng rằng ông biết nhiều người gù
hoặc phù thũng nhưng rất thành công trong đời. Chẳng hạn, có một gã
Roman Frydrych đã mang cái bướu của mình sang tận Argentina lập cơ sở
kinh doanh máy khâu, sau phất lên thành một hãng lớn rất nổi tiếng.
Câu chuyện về thành công của anh gù Frydrych không trấn an được
Maria, song lại khiến người kể chuyện hưng phấn đến nỗi ông quyết tâm
tân trang lại cửa hàng tạp hoá của chúng tôi. Giữa tháng năm, ít lâu sau khi
chiến tranh chấm dứt, những mặt hàng mới xuất hiện, ông bắt đầu bán máy
khâu và phụ tùng máy khâu, nhưng để dễ dàng cho việc chuyên tiếp, ông
vẫn duy trì các mặt hàng tạp hoá một thời gian. Một thời kỳ hoàng kim!
Hàng lấy vào rất ít khi phải trả bằng tiền mặt, mà toàn qua trao đổi. Mật ong
tổng hợp, đường, bột, mác-ga-rin, và những bao bột làm bánh cuối cùng của
bác sĩ Oetker biến thành xe đạp; xe đạp và phụ tùng xe đạp chuyển thành
mô-tơ điện rồi mô-tơ điện thành các loại dụng cụ; những thứ này thành lông
thú và như thể phù phép, ông Fajngold biến lông thú thành máy khâu. Bé
Kurt đâm được việc trong cái trò chơi đổi chác này; nó đưa khách hàng đến,
làm môi giới và thích ứng với hướng kinh doanh mới mau chóng hơn Maria
nhiều. Tình hình gần như thời Matzerath. Maria đứng ở quầy, phục vụ
những khách hàng cũ còn ở lại thành phố và, đánh vật với dăm câu tiếng Ba
Lan, cố hết sức để hiểu xem các khách hàng mới muốn gì. Kurt quả có năng
khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ. Nó có mặt khắp chỗ trong cửa hàng, ông
Fajngold có thể trông cậy vào nó. Mặc dầu chưa đầy năm tuổi, nó đã thành
một chuyên gia về máy khâu. Giữa hàng trăm kiểu khác nhau, từ trung bình
đến tồi, bày ở chợ đen phố Bahnhofstrasse, nó chỉ liếc mắt một cái đã phát
hiện ra những máy Singer hoặc Pfaff hạng nhất, ông Fajngold đánh giá cao
tầm hiểu biết của nó.