như không phải chỉ có mười. Phía trước giường phu thê là tủ lớn láng trắng
có hai cửa gương, bên trái, một bàn phấn nhỏ, bên phải, một tủ com-mốt
mặt cẩm thạch; thiết bị ánh sáng gắn vào hai nhánh đồng treo thõng từ trần
xuống, không che chụp bằng xa tanh như ở phòng khách mà bằng hai bán
cầu sứ màu hồng nhạt từ đó chòi ra hai bóng đèn lung linh.
Hôm nay tôi đã khua trống suốt cả buổi sáng, hỏi nó xem những bóng
điện trong phòng ngủ nhà tôi là bốn mươi hay sáu mươi oát. Đây không
phải lần đầu tiên tôi đặt ra cho bản thân, cũng như cho cái trống của mình,
cái câu hỏi cực kỳ quan trọng này đối với tôi. Đôi khi tôi phải mất hàng
mấy tiếng đồng hồ mới quay về được với những chiếc bóng đèn ấy. Bởi vì
tôi phải thoát ra khỏi cả một rừng bóng đèn bằng cách nện trống thật rền
không khoa tay múa dùi và phải quên đi hàng ngàn nguồn sáng mà tôi đã
nhóm, lên hay tắt đi, mới quay về được với những ánh quang của phòng
ngủ nhà chúng tôi ở Labesweg.
Mẹ tôi sinh tôi ngay tại nhà. Khi bắt đầu đau đẻ, mẹ tôi còn ở cửa hàng,
đang đóng đường vào những bao một “pao” và nửa “pao”. Đã quá muộn để
đưa mẹ vào bệnh viện, đành phải gọi một bà đỡ lớn tuổi sắp thôi hành nghề,
ở phố Hertastrasse gần đấy. Trong phòng ngủ, bà ta giúp cho mẹ con tôi
tách rời khỏi nhau.
Vậy đó, ánh sáng đầu tiên đón tôi ra đời là hai ngọn đèn điện sáu mươi
oát. Chính vì thế mà bao giờ tôi cũng thấy cái câu trong Kinh Thánh: “Cầu
cho ánh sáng bừng lên, và thế là ánh sáng bừng lên” là khẩu hiệu quảng cáo
đạt nhất của hãng bóng đèn Osram. Mọi sự trôi chảy, mẹ tròn con vuông,
ngoại trừ điều tất yếu là vỡ đáy chậu. Tôi thoát ra khỏi tư thế lộn ngược,
vốn được cả thai nhi lẫn các bà mẹ và bà đỡ ưa chuộng, để chui đầu ra
trước, chẳng mấy khó khăn.
Xin nói ngay lập tức: tôi thuộc loại trẻ sơ sinh rất thính tai, với độ phát
triển tâm lý hoàn chỉnh từ lúc lọt lòng, sau đó chỉ cần bổ khuyết thêm chút
đỉnh. Tỉnh bơ, tôi rình ngóng những lời cha mẹ buột nói ra dưới hai bóng