những gian lớp quá đông và không đủ ấm, nó đã có cái vẻ của một người tự
lập rất bận rộn.
Guste Köster đang uống cà-phê - cà-phê thứ thiệt, như Oskar nhận thấy
khi chị đưa mời tôi một tách. Trong khi tôi đóng gói mật ong, chị quan sát
cái bướu của tôi với vẻ tò mò kèm theo một cái nhìn thương hại về phía cô
em gái. Chị phải khó khăn lắm mới ngồi yên, không vuốt ve cái bướu của
tôi, vì như tất cả phụ nữ, chị tin rằng sờ, vỗ hoặc vuốt ve một cái bướu sẽ
đem lại may mắn. Đối với Guste, may mắn có nghĩa là sự trở về của Köster
và anh ấy sẽ thay đổi tất cả. Thay vì, chị dằn lòng vỗ vỗ tách cà-phê và trút
một tiếng thở dài kèm theo bài kinh mà trong nhiều tháng sau, tôi còn phải
nghe mỗi ngày mấy lần: "Khi nào Köster về, tất cả sẽ thay đổi trong nháy
mắt. Chú có thể tin chắc thế!"
Guste phản đối chợ đen nhưng không chống việc uống cà-phê thứ thiệt
đổi được bằng mật ong tổng hợp. Khi có khách hàng đến, chị rời phòng
khách, lạch bạch đi vào bếp ở đó chị cố tình khua xoong chảo ra ý phản đối.
Khách hàng không thiếu. Vào lúc chín giờ, ngay sau bữa điểm tâm,
chuông cửa bắt đầu réo: ngắn - dài - ngắn. Cứ mười giờ tối là Guste ngắt
chuông điện, bất chấp sự phản đối thường xuyên của Kurt, bởi việc học
hành lấn quá nhiều sang thời gian kinh doanh của nó.
"Có mật ong tổng hợp không?" Khách hỏi.
Maria khẽ gật đầu và hỏi lại: "Một phần tư hay nửa pao? " Nhưng cũng
có người không cần mật ong. Họ nói: "Đá lửa?" Thế là Kurt - nó học đan
xen hôm buổi sáng, hôm buổi chiều - ra khỏi những dãy số, luồn tay dưới
chiếc áo "pul" tìm một cái túi vải và ném cái giọng thách thức trẻ con của
nó vào phòng khách: "Ba hay bốn? hay lấy cả năm viên đi. Kẻo nó lên đến
hai bốn bây giờ. Tuần trước, có mười tám, mà sáng nay cháu phải lấy hai
mươi đấy. Nếu bác đến hai tiếng trước, ngay sau lúc tan học thì cháu có thể
để cho bác hai mốt."