Tôi lấy làm xấu hổ mà thưa rằng những gì tôi đọc dạo ấy không hề tồn
đọng trong tôi, nó vào mắt này, ra mắt kia. Tôi chỉ giữ lại được một số cách
đảo câu, vài ba câu cách ngôn, thế thôi. Còn nhà hát? Một số tên diễn viên:
Hoppe, Peter Esser, Flickenschildt và cái cách phát âm chữ r rất đặc biệt
của nàng. Tôi nhớ một vài sinh viên kịch nghệ ở những nhà hát thể nghiệm
tìm cách cải tiến lối phát âm chữ r của Flickenschildt. Tôi nhớ Gründgens
trong vai Tasso, ông có mặc đồ đen, nhưng bỏ vòng nguyệt quế do Goethe
chỉ định, viện cớ là lá nguyệt quế làm hỏng tóc ông. Và vẫn Gründgens
cũng vận đồ đen trong vai Hamlet. Và Flickenschildt quả quyết rằng
Hamlet béo. Cái sọ của Yorick gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi vì từ đó
mà Gründgens rút ra những nhận xét kỳ diệu. Họ diễn Draussen vor der Tür
[2] trong những rạp hát không có hệ thống sưởi trước những cử tọa như bị
bắt mất hồn; đối với tôi, Beckmann trong vai người đàn ông mang mục kỉnh
vỡ chinh là Köster, chồng của Guste, người sẽ thay đổi tất cả khi trở về và
sẽ vĩnh viễn làm cạn "nguồn" của Kurt con trai tôi.
Giờ đây, khi tất cả đã ở sau lưng, tôi biết rằng một cuộc nhậu sau chiến
tranh chỉ là một cuộc nhậu và do đó, kèm theo một cảm giác ngất ngây khó
chịu; một triệu chứng của cái ngất ngây đó là những việc làm tốt hay xấu
mà mới ngày hôm qua còn tươi nguyên và sống động, nay đã thành lịch sử.
Giờ đây, một lần nữa, tôi lại có thể đánh giá những gì Gretchen Scheffler đã
dạy tôi giữa những vật lưu niệm du lịch và những đồ đan, móc của bà:
không quá nhiều Rasputin, Goethe vừa phải thôi, Lịch sử thành phố Danzig
của Keyser, trang bị vũ khí của một chiến thuyền nằm sâu dưới đáy biển từ
bao lâu nay, tốc độ (tính bằng hải lý) của tất cả các ngư lôi hạm Nhật Bản
đã tham gia trận Tsushima, chưa kể Belisarius và Narses, Totila và Teja như
được thể hiện trong Cuộc đấu tranh vì thành Roma của Felix Dahn.
Mùa xuân năm 1947, tôi bỏ lớp học ban đêm, British Center, ông mục sư
Niemöller và từ hàng ban-công thứ hai, tạm biệt Gründgens vẫn đóng
Hamlet trong chương trình.