không tháo ra lắp vào được. Hồi ức của ông thợ đẽo đá dài, rộng và triệt để.
Tôi kiên nhẫn đợi ông kể hết, đợi cho người đàn bà của ông lắp cái chân trở
lại. Rồi tôi hỏi ông có thể cho tôi vào thăm xưởng được không.
Korneff mở cánh cổng ở hàng rào và chỉ cái cào về phía cửa trượt ra ý
mời. Sỏi kêu rào rạo dưới chân tôi và lát sau, tôi ngập vào trong mùi xuyn-
phua, mùi vôi và mùi ẩm.
Những vồ gỗ nặng hình quả lê với những hõm xơ ra chứng tỏ tay quai vồ
lão luyện, nhát nào cũng như nhát nào, nằm trên những tấm đá mới đẽo thô.
Những dụng cụ đục mới rèn lại, còn xanh nước tôi, các loại đục để làm cẩm
thạch, bột đánh bóng sấy khô trên những ghế đẩu vuông và trên những khúc
gỗ tròn, một tấm bia mài bóng, vàng rộm, mỡ màng, dành cho một ngôi mộ
đôi, đã dựng đứng, sẵn sàng để được chuyển đi.
"Đây là cái búa đột, đây là cái đục khum, đây là cái khoét rãnh, còn cái
này," Korneff giơ một thanh ván rộng bằng bàn tay và dài khoảng một mét
và xem xét kỹ cạnh của nó, "cái này là thước vạch. Ta cũng dùng nó để đập
bọn thợ học việc nếu chúng cứ ì thần xác ra."
Tôi hỏi, không phải hoàn toàn vì lịch sự: "Vậy bác cũng dùng thợ học
việc à?"
Korneff cho tôi biết những khó khăn của ông: "Ta có đủ việc cho năm
đứa. Song chẳng kiếm được thằng nào. Cái bọn nhãi bây giờ chỉ muốn học
kiếm tiền ngoài chợ đen thôi," Giống như tôi, ông thợ đẽo đá chống những
hoạt động chợ đen khiến cho bao thanh niên có triển vọng không học được
những nghề hữu ích. Trong khi Korneff chỉ cho tôi những loại đá mài từ thô
đến mịn và tác dụng của chúng trên một phiến Solnhof, thì tôi cũng mài
một ý nho nhỏ trong đầu. Đá bọt, đá cát kết màu nâu sô-cô-la để mài thô, đá
tripoli để mài ba lần, ông tiếp tục giới thiệu, và đây, cái ý nho nhỏ của tôi
lại chòi ra nhưng đã nhẵn hơn, bóng hơn. Korneff chỉ cho tôi những mẫu
chữ, nói về việc khắc chữ nổi và chìm, về mạ chữ vàng. "Không tốn như