Trước đó, tôi đã hình dung là căn phòng này không có cửa sổ vì chẳng
bao giờ phần trên trong mờ của cửa vào để lộ chút dấu vết gì của ánh sáng
ban ngày. Với tay sang bên phải, hệt như ở phòng tôi, tôi thấy công-tắc đèn.
Chiếc bóng điện bốn mươi oát thừa đủ cho cái khoang nhỏ xíu không đáng
gọi là phòng này. Tôi hơi rầu lòng khi đối diện với tượng bán thân của mình
trong gương. Tuy hình ảnh lộn trái của hắn chẳng có gì hay ho, Oskar vặn
không né ra: hắn đang bị hút hồn bởi những đồ vật trên bàn trang điểm
trước tấm gương.
Có những vệt xanh-đen ở lớp men trắng của bồn rửa mặt. Mặt bàn, với lỗ
khoét để gắn bồn xuống cho vừa khít đến thành, cũng có khuyết tật. Góc
bên trái khuyết một miếng và miếng khuyết ấy nằm trên mặt bàn dưới tấm
gương, phô với gương những đường vân của nó. Những vệt keo bong trên
gờ nâu chứng tỏ một cố gắng vụng về nhằm gắn lại mảnh vỡ. Những ngón
tay thợ đẽo đá của tôi bỗng thấy ngứa ngáy. Tôi nghĩ đến chất mát-tít do
Korneff làm lấy có thể biến những miếng cẩm thạch vỡ vụn thành những
phiến bền vững thích hợp để làm đẹp mặt tiền của những cửa hàng thịt lớn.
Khi những ý nghĩ quen thuộc đó đã làm tôi quên đi cái hình ảnh méo mó
tệ hại của tôi trong gương, tôi có thể gọi tên cái mùi xộc vào mũi tôi ngay
khi bước vào phòng.
Đó là dấm. Sau này, và lại mới cách đây mấy tuần, tôi biện hộ cho cái
mùi chua loét ấy bằng cách đoán chừng là hôm trước, chắc Xơ Dorothea
gội đầu và đã pha dấm vào nước gội. Tuy nhiên, chẳng có chai dấm nào trên
bàn trang điểm. Tôi cũng không phát hiện thấy dấm trong bất kỳ chai lọ nào
có dán nhãn khác. Hơn nữa, tôi thường tự hỏi, lẽ nào Xơ Dorothea lại phải
cầu kỳ xin phép Zeidler đun nước trong bếp rồi lại mang về phòng mình để
gội đầu trong khi bệnh viện có đầy vòi hoa sen và buồng tắm hảo hạng?
Tuy nhiên, cũng có thể là nữ y tá trưởng hoặc ban quản trị bệnh viện đã cấm
các nữ y tá dùng một số thiết bị vệ sinh ở trong bệnh viện; có lẽ Xơ