Vì Klepp - tôi muốn nói Münzer - bao giờ cũng cẩn thận nấu mì spaghetti
trong cùng một lượng nước ấy, một lượng nước dùng đun đi đun lại, càng
ngày càng đặc quánh mà hắn giữ như giữ con ngươi của mắt, nên thường
khi hắn có thể, với sự giúp đỡ của số chai bia dự trữ, nằm dài bốn ngày liền
hoặc hơn thế. Tình hình chỉ trở nên gay cấn khi nào nước dùng spaghetti
của hắn đã cạn thành một thứ cặn nhầy dinh dính mặn chát, cố nhiên khi đó,
Klepp có thể để mình đói đến chết, nhưng vào những ngày ấy, hắn lại thiếu
cơ sở tư tưởng cho loại ứng xử này; hơn nữa, khổ hạnh của hắn được phân
định từng chu kỳ bốn-năm ngày một. Nếu không, bà Zeidler, người thường
mang thư đến cho hắn hay một xoong spaghetti lớn hơn, có thể dễ dàng
giúp hắn càng độc lập hơn với thế giới bên ngoài.
Vào cái hôm Oskar vi phạm bí mật thư tín, Klepp đã nằm độc lập trên
giường được năm ngày, cặn nước dùng spaghetti của hắn đã đủ dính để dán
áp-phích trên đường phố. Đó là tình cảnh hắn khi hắn nghe thấy bước chân
phân vân của tôi ngoài hành lang, bước chân đầy bận tâm về Xơ Dorothea
và thư từ giao dịch của nàng. Nhận thấy lần trước Oskar đã không phản ứng
gì với tiếng ho giả vờ, hôm tôi mở bức thư tình đam mê một cách lạnh lùng
của bác sĩ Werner, hắn bèn ném giọng mình vào cuộc và nói: " Thưa ông
hảo tâm, ông có thể mang cho tôi ít nước được không?"
Và tôi lấy cái siêu, đổ nước ấm đi, vặn vòi cho nước chảy vào đầy nửa
siêu, rồi thêm một tí nữa và mang nước mới đến cho hắn vớ tư cách là "ông
hảo tâm" như hắn gọi. Tôi tự giới thiệu: Matzerath, thợ đẽo đá và khắc chữ
trên đá.
Cũng lịch sự như ai, hắn cất nửa người trên lên vài độ, xưng danh là
Egon Münzer, nhạc công jazz, nhưng đề nghị tôi cứ gọi là Klepp, vì cha hắn
đã mang cái tên Münzer trước hắn rồi. Tôi rất thông cảm với yêu cầu này:
tôi thích người ta gọi tôi là Koljaiczek hơn, hay đơn giản là Oskar. Tôi giữ
cái tên Matzerath hoàn toàn là vì khiêm nhường. Năm thì mười họa tôi mới
quyết định xưng là Oskar Bronski. Do đó, tôi không khó khăn gì để gọi cái