Kỳ lạ thay, đến đây, con người Chính giáo trong tôi bắt đầu ngọ nguậy.
Tôi nói tôi không tin là Elisabeth biết gì về âm nhạc kèn túi, chêm vào một
đôi câu về việc hành hình tàn bạo và bất công đối với Mary Stuart theo
Chính giáo, và tóm lại, muốn để Klepp hiểu rằng, theo ý kiến tôi, thì
Elisabeth điếc nhạc.
Tôi chờ đợi một cơn thịnh nộ của anh chàng bảo hoàng này. Nhưng hắn
mỉm một nụ cười kẻ cả và đề nghị tôi giải thích: liệu tôi có cơ sở để vỗ
ngực là người có thẩm quyền về âm nhạc?
Một hồi lâu, Oskar nhìn Klepp trừng trừng. Vô tình, hắn đã làm xòe một
tia lửa trong tôi và từ đầu tôi tia lửa ấy vọt sang cái bướu. Cứ như thể tất cả
những cál trống xưa tả tơi, kiệt quệ của tôi đã quyết định tiến hành một
cuộc Phán Xét Cuối Cùng cho riêng chúng vậy. Cả ngàn cái trống tôi đã
ném vào đống đồng nát và cái trống tôi đã chôn ở nghĩa trang Saspe bỗng
hồi sinh, lại trỗi dậy, tráng kiện; âm vang của chúng tràn ngập cả người tôi.
Tôi bật dậy khỏi giường, xin Klepp thứ lỗi cho một lát thôi và lao ra khỏi
phòng. Vượt qua cánh cửa lắp kính mờ của Xơ Dorothea - nửa bức thư vẫn
thò ra - tôi chạy về phòng mình, nơi cái trống Raskolnikov tặng tôi hồi gã
vẽ bức "Madonna 49" đang đợi tôi. Tôi vớ lấy trống và cặp dùi. Tôi quay lại
hoặc bị lái quay lại, rời phòng, lao nhanh qua căn phòng cấm, bước vào căn
bếp spaghetti của Klepp như một kẻ viễn du trở về nhà. Tôi ngồi xuống
giường và, không đợi yêu cầu, đặt cái hình trụ tròn sơn trắng-đỏ của mình
vào tư thế. Mới đầu cảm thấy hơi lóng ngóng, tôi xoay xoay đôi dùi một
lúc, làm vài động tác nhỏ trên không. Rồi nhìn xuyên qua một gã Klepp ngỡ
ngàng, tôi buông một đầu dùi xuống mặt trống như thể hú họa và ôi chao!
trống đáp lại Oskar, và Oskar đưa chiếc dùi thứ hai vào cuộc. Tôi bắt đầu
chơi, kể lại mọi chuyện theo trình tự: bắt đầu là lúc bắt đầu.
Con bướm giữa hai bóng điện dóng trống báo giờ tôi ra đời.
Cầu thang hầm kho mười sáu bậc, tùng, tùng, tùng, cú ngã trong buổi
sinh nhật lần thứ ba đã thành huyền thoại của tôi.