và chỉ vì vậy mà phải cưới cô ta. Nhưng chúng tôi vẫn không tìm được
người chơi ghi-ta.
Trong thời gian làm mẫu vẽ, tôi đã thu lượm được một số kiến thức về
thành phố cổ Düssendorf với những ô cửa sổ tròn, những mùi phó-mát, mù-
tạc và bia, với cái ấm cúng đặc trưng vùng Hạ Rhine của nó, nhưng chỉ với
Klepp, tôi mới trở nên thân quen với nó. Chúng tôi tìm người chơi ghi-ta ở
khắp vùng xung quanh Nhà thờ Thánh Lambert, ở mọi quán bar và đặc biệt
là ở tiệm Kỳ Lân phố Ratinger- Strasse, vì Bobby, người đứng đầu ban nhạc
khiêu vũ ở dó, thỉnh thoảng vẫn để chúng tôi hoà sáo và trống cùng họ: anh
ta thán phục ngón trống của tôi, tuy anh ta cũng là một nhạc công bộ gõ
không xoàng mặc dù thiếu một ngón ở bàn tay phải.
Chúng tôi không tìm được tay ghi-ta nào ở tiệm Kỳ Lân, nhưng tôi đã có
một số cơ hội thực hành. Với kinh nghiệm hồi ở đoàn văn công tiền tuyến,
lẽ ra tôi đã có thể nhanh chóng quen tay trở lại nếu thỉnh thoảng Xơ
Dorothea không làm tôi lỡ nhịp.
Phân nửa những ý nghĩ của tôi vẫn hướng về nàng. Thế cũng được nếu
như nửa còn lại tập trung hoàn toàn vào cái trống. Nhưng sự thể lại xoay ra
như vầy: những ý nghĩ của tôi bắt đầu với cái trống để rồi kết thúc với chiếc
huy hiệu Chữ Thập Đỏ của Xơ Dorothea. Klepp đã xuất sắc bù đắp những
hụt hẫng của tôi bằng tiếng sáo của hắn; song hắn lo lắng khi thấy tôi chìm
đắm tới nửa trong suy tư. "Cậu đói à? Để tớ gọi ít dồi nhé?"
Con mắt của Klepp nhìn thấy một cơn đói cào cấu đằng sau mọi buồn
khổ trên đời này. Mọi nỗi đau của con người - hắn tin thế - đều có thể chữa
được bằng một suất dồi tiết. Dạo ấy, Oskar đã phải ngốn biết bao dồi tiết
cùng những lát hành chiêu bằng bia để làm cho bạn Klepp tin rằng mình
buồn vì đói chứ không phải vì Xơ Dorothea.
Thường thường cứ sáng sớm, chúng tôi rời căn hộ của Zeidler và ăn điểm
tâm ở Khu phố cổ. Tôi thôi không đến Trường Mỹ thuật nữa trừ những khi