thông minh, đôi bàn tay mềm mại gần như mịn màng ngồi đằng kia đang
gặp khó khăn với con trai vì cậu này bất mãn với quá khứ của cha. Hai bà
mặc áo cổ lông chồn, nom vẫn còn hấp dẫn dưới ánh sáng các-bua, tuyên bố
họ đã mất niềm tin, nhưng không nói rõ là niềm tin vào cái gì. Cho đến nay,
chúng tôi vẫn không biết gì về quá khứ của ông đầu to cũng như về loại khó
khăn mà cậu con trai đã gây ra cho ông vì cái quá khứ mập mờ đó; cũng ví
như khi đẻ trứng - mong quý vị bỏ qua cho cách so sánh này - người ta bảo:
“dặn đi, dặn đi...”
Những nỗ lực “dặn” trong Hầm Hành chỉ đem lại kết quả nghèo nàn cho
tới khi Schmuh xuất hiện với chiếc khăn đặc biệt của ông. Sau khi cảm ơn
các vị khách ưu nhã đã chào đón ông bằng một tiếng “A!” hoan hỉ, ông biến
mất vài phút đằng sau một tấm rèm ở cuối Hầm, nơi có phòng vệ sinh và
buồng kho.
Nhưng tại sao người ta lại “A!” lên một tiếng còn hoan hỉ hơn lúc trước,
một tiếng “A!” như tiếng thở phào nhẹ nhõm, khi ông chủ xuất hiện trở lại?
Chủ nhân một câu lạc bộ đêm thành công biến sau một tấm rèm, lấy một cái
gì đó trong buồng kho, khẽ rầy la người nữ nhân viên coi phòng vệ sinh
đang ngồi đọc một tờ họa báo, xuất hiện trở lại trước tấm rèm và được chào
mừng như Đấng Cứu Thế, như ông chủ huyền thoại từ Australia trở về!
Schmuh trở lại với một cái giỏ trên tay và đi vào giữa đám khách. Cái giỏ
được phủ một chiếc khăn kẻ ô xanh và vàng. Trên chiếc khăn, la liệt những
thớt gỗ nhỏ đẽo thành hình lợn và cá. Ông trao những thứ đó cho khách
kèm theo những lời chúc tụng và những động tác cúi chào chứng tỏ rõ ràng
là ông đã lớn lên ở Budapest và Vienna. Nụ cười của Schmuh giống như nụ
cười trên một phiên bản của một phiên bản từ một bức Mona Lisa được coi
như là bản gốc.
Tuy nhiên, các vị khách coi bộ rất nghiêm túc khi nhận những thớt gỗ
nhỏ nọ. Một số người đánh đổi với người bên cạnh vì lẽ người thích lợn, kẻ
lại thích cá (nom nó bí ẩn hơn!). Họ hít hít những miếng gỗ, chuyền quanh.