Bảy tuần sau, Willy lại bỏ tôi. Chúng tôi còn có hai lần tái hồi ngắn ngủi
nữa; thêm hai lần tôi chìa ngón chân ra, đầu tiên là chân trái, rồi đến chân
phải. Bây giờ cả hai ngón chân cái của tôi đều tàn phế. Móng không mọc lại
được nữa. Thi thoảng Willy đến thăm tôi. Run rẩy vì thương cảm cho tôi và
cho chính mình, ảnh ngồi dưới chân tôi trên thảm và, bằng con mắt cạn khô
cả lệ lẫn tình yêu, trân trân nhìn hai nạn nhân mất móng của cuộc tình
chúng tôi. Đôi khi tôi bảo: Lại với em, Willy, rồi chúng ta cùng đến Hầm
Hành của Schmuh khóc một chầu cho đã. Nhưng cho đến nay, ảnh vẫn
không chịu. Tội nghiệp trái tim đau của ảnh không biết đến sự an ủi của
nước mắt.
Về sau - điều này Oskar tiết lộ chỉ để thoả mãn trí tò mò của quý vị mà
thôi - ông Vollmer (tiện thể xin nói là ông ta bán ra-đi-ô) cũng có đến Hầm
Hành. Họ cùng khóc và hình như, theo Klepp nói với tôi vào buổi đến thăm
hôm qua, họ vừa mới làm lễ thành hôn.
Những bi kịch cơ bản của kiếp nhân sinh, những nỗi niềm chất chứa
trong lòng được hành đem lại chút xả hơi trong khoảng từ thứ ba đến thứ
bảy – Hầm Hành đóng cửa vào chủ nhật. Nhưng những trận khóc dữ dội
nhất lại diễn ra vào thứ hai, khi mà Hầm của chúng tôi được dành riêng cho
lớp trẻ: hằng tuần, vào ngày thứ hai, Schmuh phục vụ sinh viên với nửa giá.
Khách lui tới thường xuyên nhất là nam nữ sinh viên y khoa hoặc dự bị đại
học y khoa. Một số sinh viên mỹ thuật, đặc biệt những cô cậu dự định sau
này sẽ dạy vẽ, cũng chi vào hành một phần thu nhập chính của mình.
Nhưng, tôi thường tự hỏi, các cô cậu còn đang học năm cuối trung học lấy
tiền đâu cho khoản chi này?
Lớp trẻ có cách khóc khác. Họ có những vấn đề hoàn toàn khác với các
bậc cha anh, nhưng điều đó không có nghĩa là thi cử là nguồn gốc duy nhất
tạo nên những lo âu của họ. Ôi, có biết bao chuyện xung đột giữa cha và
con trai, mẹ và con gái đã được thổ lộ trong Hầm Hành! Khá nhiều thanh
niên cảm thấy người đời không hiểu mình, nhưng phần lớn đã quen, chả