những người trẻ tuổi khóc như thế. Họ đến hoài. Họ nhịn ăn để dành sáu
mark bốn mươi là phí tổn cho mỗi buổi và họ khóc về bộ râu thiếu vắng và
bộ râu hiểm họa cho làn da con gái mềm mại. Đôi khi họ tìm cách tránh xa
Hầm Hành. Một hôm thứ hai, họ không đến, nhưng thứ hai sau, họ lại trở
lại. Miết dúm hành thái nhỏ giữa những ngón tay, họ thú nhận là họ đã định
hà tiện sáu mark bốn mươi, thử làm điều đó trong phòng mình bằng một củ
hành rẻ tiền nhưng kết quả không như vậy. Cần có một cử tọa. Khóc tập thể
dễ hơn nhiều: nó đem lại cho ta một ý thức thực sự về tình anh em trong
đau buồn khi mà bên phải bên trái ta và ở đường hầm trên đầu ta, các bạn
sinh viên của ta đều đang khóc đến rã con tim.
Đây cũng là một trường hợp trong đó Hầm Hành không những đem lại
nước mắt mà còn dần dần chữa trị thành công, vẻ như nước mắt đã cuốn đi
mọi mặc cảm ức chế và kéo họ lại gần nhau. Chàng hôn đôi má lởm chởm
của nàng, nàng âu yếm xoa cái cằm nhẵn thín của chàng và rồi một hôm, họ
thôi hẳn không còn là khách của Hầm Hành, họ không cần nó nữa. Mấy
tháng sau gặp lại họ ở phố Königs-Allee, thoạt đầu Oskar không nhận ra.
Anh chàng Gerhard nhẵn nhụi giờ phất phơ một bộ râu vàng hung, còn đám
bụi rậm xưa um tùm trên mặt Gudrun chỉ còn là một vệt lông tơ loáng
thoáng trên môi trên, rất hợp với nàng. Gằm và má nàng nhẵn mịn, ngời
ngời, sạch mọi dấu vết cỏ dại. Vẫn còn đi học nhưng đã cưới, một cặp vợ
chồng sinh viên hạnh phúc. Oskar có thể hình dung năm mươi năm sau họ
nói chuyện với các cháu nội ngoại. Bà Gudrun: “Đó là vào cái hồi ông nhà
mình chưa có râu.” Và ông Gerhard: “Dạo ấy, Bà nhà mình đến là khổ vì bộ
râu và thứ hai nào ông Bà cũng đến Hầm Hành."
Nhưng, quý vị hẳn sẽ hỏi, thế thì ba gã nhạc công còn ngồi dưới chân
thang ca-bin hay cầu thang để làm gì? Một cái cửa hàng hành đầy những
tiếng khóc than, rền rĩ và nghiến răng kèn kẹt thì cần gì đến một ban nhạc
chính quy được trả lương một cách chính quy?