Tôi dẫn họ ra phòng gửi quần áo, ở đó một gã sinh viên ngỡ ngàng giao
trả áo ngoài cho đám học sinh mẫu giáo của Schmuh; rồi, theo tiết tấu của
bài đồng dao quen thuộc “Các cô thợ giặt cần mẫn”, tôi dạo trống đưa họ
lên các bậc bê-tông, qua trước mặt người gác cổng khoác tấm da cừu quê
mùa. Tôi tạm biệt các học sinh mẫu giáo dưới bầu trời đêm mùa xuân 1950
lành, lạnh, chi chít sao như trong truyện thần tiên tựa hồ được tạo nên cho
phù hợp với hoàn cảnh. Quên lối về nhà, hồi lâu họ tiếp tục những trò
nghịch ngợm con nít trong Khu Phố Cổ cho đến khi, chung cuộc, cảnh sát
phải giúp họ nhớ ra tuổi tác, nhân thân, số điện thọai và địa vị xã hội của
mình.
Cười thoải mái và vuốt ve cái trống, tôi quay về Hầm Hành, ở đó Schmuh
vẫn đang vỗ tay, dạng chân đứng cạnh cầu thang, hai ống quần ướt sũng,
dường như cảm thấy trong vườn trẻ của cô Kauer cũng sung sướng như trên
đồng cỏ ven sông Rhine khi xách súng đi bắn chim sẻ ở tuổi thật của mình.
Chú thích:
[1] Mội hình thức nhạc jazz rất giậm giật.
[2] Món ăn Ý gồm thịt băm và phó-mát cuộn bột, gần như bánh cuốn của
ta.
[3] Tác phẩm bất hủ của L. Beethoven.