Tôi đã kể là Schmuh thường đi bắn chim sẻ. Đôi khi ông đưa bọn tôi đi
cùng trong chiếc Mercedes cho chúng tôi xem ông bắn. Mặc dầu thỉnh
thoảng có mâu thuẫn do cái trống của tôi liên can cả đến Klepp và Scholle
vì họ đứng về phe tôi, quan hệ giữa Schmuh và các nhạc công của ông vẫn
là hữu hảo cho đến khi, như tôi đã thông báo, cái chết xen vào giữa chúng
tôi.
Chúng tôi lên xe. Như thường lệ, bà vợ của Schmuh lái. Klepp ngồi cạnh
bà, Schmuh ngồi giữa Oskar và Scholle, đặt cây súng ngang đùi, thi thoảng
lại ve vuốt nó. Chúng tôi dừng lại ngay trước khi đến Kaiserswerth. Những
hàng cây hai bên bờ sông Rhine: cảnh trí đã sẵn. Vợ Schmuh ngồi lại trong
xe, giở một tờ báo ra đọc. Klepp đã mua sẵn ít nho khô, nhai tóp ta tóp tép
rất đều đặn. Scholle, vốn trước khi thành nhạc công ghi-ta đã từng là sinh
viên khoa gì gì đó, nhớ được bài thơ nào về sông Rhine là đem ra ngâm ráo.
Quả thực con sông cũng đang kỳ thơ mộng: ngoài những con thuyền như
thường thấy, những vòm lá ven bờ xoã tóc dập dềnh về phía Duisburg và
quên bẵng lịch mùa vẫn dang hè đã sớm ngả màu thu. Nếu thi thoảng cây
súng của Schmuh không lên tiếng, buổi chiều này ở mé dưới Kaiserwerth
có thể gọi là êm ả thanh bình.
Khi Klepp ăn hết chỗ nho khô và chùi tay vào cỏ, Schmuh cũng bắn
xong. Bên cạnh mười một nắm lông đang lạnh dần, ông đặt nắm thứ mười
hai - hãy còn phập phồng, như ông nhận xét. Nhà thiện xạ đã bắt đầu bọc
gói những con mồi lại - không hiểu vì lý do bí hiểm gì, bao giờ Schmuh
cũng mang chúng về nhà - thì một con chim sẻ đậu xuống một gốc cây bị
sóng đánh giạt vào bờ cách chỗ chúng tôi không xa. Con chim lông xám
này nom rất nghênh ngáo, rõ ra là một bản mẫu tiêu biểu của loài sẻ, đến
nỗi Schmuh không thể đừng được: xưa nay không bao giờ bắn quá mười hai
con sẻ trong một buổi chiều, giờ đây ông giường súng bắn con thứ mười ba-
đáng lẽ ông không nên làm thế.