mang theo nhiều ván gỗ và mấy cái hộp lớn bằng các-tông. Các-tông y giữ
để vẽ, còn ván dùng làm củi đốt.
Giữ lửa thường xuyên cũng chả khó gì: bãi biển đầy những thanh củi rều
khô nhẹ như bấc bị sóng đánh giạt vào, đổ bóng thành nhiều hình thù khác
nhau. Tôi đặt lên trên đống than nóng một mảng chấn song ban-công mà
Lankes đã tháo dỡ từ một biệt thự bỏ không bên bãi biển. Tôi lấy dầu ô-liu
tẩm cá rồi đặt lên mảng chấn song nóng cũng được rưới dầu trước. Tôi vắt
chanh lên mình cá xèo xèo và để nó chín từ từ - nướng cá là không bao giờ
nên hấp tấp.
Bàn ăn của chúng tôi là một tấm các-tông lớn đặt lên mấy cái xô. Chúng
tôi có dĩa và đĩa đầy dủ. Để cho Lankes đỡ sốt ruột - y cứ lượn quanh con
cá như một con hải âu đói mồi - tôi vào lô-cốt lấy trống ra. Đặt trống vững
chãi trên cát, tôi hoà cùng gió, biến tấu trên những âm thanh của sóng vỗ bờ
và nước triều dâng. Đoàn văn công tiền tuyến của Bebra đến thị sát bê-tông.
Từ Kashubes đến Normandie, Felix và Kitty, hai diễn viên nhào lộn, xoắn
vào nhau thành những nút hết cởi ra lại thắt vào trên nóc lô-cốt và cất giọng
ném vào trong gió một bài thơ mà hai câu điệp khúc của nó, ngay giữa
chiến tranh, đã báo trước một thời kỳ êm ấm tiện nghi sẽ đến:
Sống giữa bê-tông thép gai
Vẫn mơ về chốn lâu đài
Kitty ngâm bằng cái giọng vùng Saxe và Bebra, nhà thông thái của tôi,
đại úy của Đội Tuyên Truyền, gật đầu tán thưởng; và Roswitha, người đẹp
Địa Trung Hải Raguna của tôi, xách chiếc giỏ pich- ních lên, bày dồ ăn trên
nóc Dora-7; và cả trung sĩ Lankes cũng ăn bánh mì trắng của chúng tôi,
uống ca-cao của chúng tôi và hút thuốc lá của đại uý Bebra...
“Này!” Lankes kéo tôi từ quá khứ trở về. “Này, Oskar! Giá mình có thể
vẽ cậu đạt như tiếng trống của cậu! Cho mình xin một điếu.”