“Trước nay các ông vẫn ở đây đấy ư?” nàng tò mò hỏi. Nàng thấy cái lô-
cốt của chúng tôi đẹp và hơi ngồ ngộ. Nhưng rồi chẳng may, bà mẹ nhất và
năm nữ tu khác, tất cả đều dù đen và vành lưỡi trai xanh, xuất hiện trên đỉnh
cồn cát. Agneta chạy vội đi. Theo tôi hiểu qua những tiếng gắt gỏng ngắt
đoạn bởi ngọn gió đông, thì nàng bị mắng té tát và bắt trở lại khuôn phép.
Lankes mơ màng. Y đưa chiếc dĩa lộn ngược vào miệng và trân trân nhìn
đám người dập dờn trên cồn cát. “Đó không phải những nữ tu mà là những
chiếc thuyền buồm.”
“Thuyền buồm thì phải trắng chứ,” tôi cãi.
“Đó là những thuyền buồm đen.” Cãi lý với Lankes không phải là dễ.
“Mé ngoài cùng bên trái là thuyền đô đốc. Agneta là một thuyền hộ tống
cao tốc. Trời thuận gió. Đội hình hàng dọc. Từ lá buồm tam giác nhỏ phía
trước cho đến cột đằng lái, cột chính, cột giữa, cột đằng mũi, tất cả đều
căng buồm, hướng tới chân trời và nước Anh. Thử nghĩ coi: sáng mai, bọn
Anh thức dậy, nhìn ra cửa sổ và thấy gì? Hai mươi lăm ngàn nữ tu sĩ, tất cả
đều rợp cờ. Và đây, loạt súng đầu tiên...”
“Một cuộc chiến tranh tôn giáo mới,” tôi đỡ lời y. Thuyền đô đốc, tôi gợi
ý, nên đặt tện là Mary Stuart hay De Valera, hay hơn nữa là Don Juan. Một
Armada [2] mới, cơ động hơn trả thù cho Trafalgar. Khẩu hiệu xung trận là
“Giết sạch bọn Thanh giáo!” và lần này thì bọn Anh không có sẵn một
Nelson [3]. Hãy bắt đầu cuộc đổ bộ. Anh Quốc không còn là một cái đảo.
Cuộc trò chuyện trở nên quá chính trị đối với Lankes. Y ngắt lời tôi:
“Này, các mụ nữ tu nổ máy đi thắng rồi.”
“Căng buồm, ” tôi sửa lại.
Dù nổ máy hay căng buồm thì họ cũng đang dập dờn trôi về phía
Cabourg, tay giương dù che nắng. Chỉ có một người tụt lại sau một tí chút,