Đôi giày mũi nhọn của nàng ngọ nguậy dưới chiếc váy dài, hất tung cát
để gió tiếp tay rắc lên con cá của chúng tôi. Phần nào mất tự tin, nàng nhìn
chúng tôi và cái “bàn ăn” đặt giữa chúng tôi bằng cặp mắt rõ ràng là màu
nâu nhạt. “Làm vậy chắc chắn là không phải phép.”
“Thôi nào, Xơ,” Lankes gạt phắt mọi lời phản đối của nàng và đứng dậy.
“Có một điểm quan sát thú vị. Xơ có thể nhìn thấy toàn bộ bãi biển qua
những lỗ châu mai.”
Nàng vẫn tần ngần. Giày nàng, tôi chợt nghĩ, chắc đầy cát. Lankes khoát
tay về phía cửa vào. Họa tiết bê-tông của y hắt bóng sắc nét giàu tính trang
trí.
Có lẽ cử chỉ mời mọc ân cần của Lankes đã khiến nàng quyết định vào.
“Nhưng chỉ một phút thôi nhé!” Và nàng tót vào trong lô-cốt trước cả
Lankes. Y chùi tay vào quần - một động tác diển hình của họa sĩ - và ném
về phía tôi một lời dọa dẫm trước khi biến mất: “Liệu hồn, đừng có lấy đi
miếng nào ở phần cá của tớ đấy.”
Nhưng Oskar đã đầy một bụng cá rồi. Tôi rời “bàn ăn”, buông thả mình
vào gió cát và tiếng gầm gào của biển. Tôi lấy chân khều cái trống lại và
nương tiếng trống tìm cách thoát ra khỏi cái cảnh quan bê-tông này, cái thế
giới công sự này, cái loại “rau” gọi là măng tây Rommel này.
Thoạt đầu, với chút ít thành công, tôi thử đề tài tình yêu. Một thời, tôi
cũng đã từng yêu một xơ. Nói cho rành, không phải một nữ tu mà là một nữ
y tá, Xơ Dorothea. Nàng ở trọ trong căn hộ của Zeidler, đằng sau một cánh
cửa lắp kính mờ. Nàng rất đẹp nhưng tôi không bao giờ nhìn thấy nàng.
Hành lang nhà Zeidler tối quá. Một tấm thảm xơ dừa xen vào giữa hai
chúng tôi.
Sau khi theo chủ đề này dến đoạn kết lỡ dở trên tấm thảm xơ, tôi thử
chuyển mối tình đầu của tôi với Maria thành tiết tấu, đem phủ lên bê-tông