Sau khi chiếc máy bay đã tìm được chỗ hạ cánh - bằng hai hay bốn động
cơ, tôi cũng không rõ - tôi trả lại chiếc nhẫn. Bị cáo xỏ nó vào ngón tay đeo
nhẫn, gói lại trong chiếc mù-soa và đề nghị tôi cùng đi với y một đoạn
đường.
Đó là ngày hai bảy tháng bảy năm 1951. Chúng tôi đi bộ đến tận trạm
cuối xe điện ở Gerresheim nhưng chiếc xe chúng tôi lên là một chiếc tắc-xi.
Từ bữa ấy, bị cáo luôn có dịp để đãi tôi hết sức hào phóng. Chúng tôi vào
thành phố và bảo tài xế tắc-xi đợi bên ngoài cửa hàng cho thuê chó gần nhà
thờ Thánh Roch. Trả con Lux xong, chúng tôi đi dọc thành phố, qua Bilk và
Oberbilk tới Nghĩa trang phía Tây. Tới đây, me-xừ Matzerath phải chi ra
hơn hai mươi mark tiền tắc-xi. Rồi chúng tôi đến xưởng khắc đá bia mộ của
Korneff.
Nơi này bẩn kinh người và tôi lấy làm mừng khi ông thợ đá hoàn thành
món hàng đặt của bạn tôi - mất khoảng một tiếng đồng hồ. Trong khi bạn
tôi say sưa giảng giải cho tôi về các dụng cụ và các loại đá khác nhau, ông
Korneff, không một lời bình luận, bắt tay vào đổ một tượng thạch cao sao
đúng hình ngón tay nọ - không có nhẫn. Tôi lơ đãng nhìn ông làm việc.
Trước hết, ngón tay phải được chuẩn bị; nghĩa là thoa mỡ khắp và đặt một
sợi dây dọc theo gờ của nó. Sau đó, ông đắp thạch cao xung quanh và dùng
sợi dây cắt làm hai phần trước khi thạch cao kịp rắn lại. Tôi vốn làm nghề
trang trí, nên không lạ gì việc làm khuôn thạch cao. Tuy nhiên, khi ông
Korneff cầm ngón tay đó lên, nó bỗng có một vẻ gì đó phi thẩm mỹ; dù sao
cảm giác ấy cũng biến mất khi chiếc khuôn hoàn tất. Bị cáo lấy lại ngón tay,
chùi sạch mỡ và trả tiền ông thợ đá. Thoạt đầu, ông Korneff không muốn
nhận tiền vì ông coi Matzerath như bạn đồng nghiệp, ngoài ra còn nêu rõ
rằng dạo xưa Oskar (ông gọi Matzerath thế) đã nặn cho ông mấy cái nhọt
mà chẳng lấy xu nào. Khi cốt tượng đã rắn lại, ông thợ đá mở khuôn đúc,
đưa bản sao đó cho Matzerath và hứa sẽ làm thêm cho y vài cái nữa trong
mấy ngày tới. Đoạn, ông tiễn chúng tôi ra tận phố Bittweg, đi qua dãy bia
mộ dăng hàng của ông.