Labesweg, tôi ra Quảng trường Max-Halbe, đến Neuschottland, đường
Anton-Mưller, phố Nữ thánh Marie, công viên Kleinhammer, nhà máy bia
cổ phần, hồ Aktien, bãi cỏ xanh Frobel, trường Pestalozzi, Chợ Mới, rồi
quay trở về Labeweg. Cái trống của tôi chịu đựng tốt sự căng thẳng ấy,
nhưng những người lớn quanh tôi thì không, họ luôn luôn muốn cắt đứt
nhịp trống của tôi, ngáng trở nó; nhưng tạo hoá đã phù trợ cho tôi.
Cái khả năng sử dụng trống để thiết lập một khoảng cách cần thiết giữa
tôi và những người lớn đã phát triển nơi tôi ít lâu sau cú ngã, gần như đồng
thời với sự xuất hiện của một chất giọng khiến tôi có thể hát và ngân rung ở
một cao độ ghê gớm, có nghĩa tôi có thể hát - thét chói tai đến nỗi không ai
dám tước đi cái trống làm đinh tai họ, bởi vì hễ nó bị giật khỏi tay tôi là tôi
thét liền và khi tôi thét là nhiều thứ đồ quý giá vỡ tan tành. Tôi có cái khiếu
hủy hoại thủy tinh bằng tiếng hát. Tôi thét vỡ bình hoa. Tôi hát nổ ô kính
cửa sổ cho gió lùa mặc sức. Như một đóa kim cương tinh khiết - và bởi thế
càng khắc nghiệt - giọng tôi bổ toác các tủ kính và, không hề mất đi chất
hồn nhiên ngây thơ, xâm nhập vào tận bên trong phá phách bộ ly uống rượu
thanh mảnh, hài hòa, phủ một lớp bụi mỏng - quà tặng của một người thân.
Chẳng bao lâu, những năng khiếu của tôi trở nên khét tiếng khắp phố, từ
đường Brösener đến khu cư xá cạnh sân bay. Hễ bọn trẻ con hàng xóm
trông thấy tôi - những trò chơi của chúng như “Một, hai, ba, cá trích ngâm
giấm” hay “Đâu rồi, mụ phù thủy đen như hắc ín?”... chẳng hấp dẫn tôi chút
nào - là cả dàn đồng ca mặt mày nhem nhuốc của chúng lại cất tiếng nheo
nhéo:
Tan tành ô cửa kính
Uống bia tươi với đường
Cô Hai Mít má phính
Thổi kèn dưới hàng dương