đầu núng thế. Lần lượt từng lưỡi lửa trên tang trống từ từ tuột khỏi tay tôi.
Đến lúc này Oskar, vốn xưa nay được xem là đứa bé lặng lẽ, hầu như quá
ngoan là đằng khác, mới bật lên tiếng thét công phá đầu tiên của mình:
miếng thủy tinh tròn nhẵn bóng che cho cái mặt màu mật ong của chiếc
đồng hồ treo khỏi bụi và xác ruồi, bỗng nổ tung, mảnh rơi lả tả xuống sàn
gỗ (vì thảm không đủ để trải tới tận dưới chân đồng hồ), nơi công cuộc phá
hoại được hoàn tất. Tuy nhiên, phần bên trong của đồ vật cơ khí quý giá này
không hề bị hư hại; cái quả lắc vẫn bình thản tiếp tục hành trình của mình
và hai chiếc kim cũng vậy. Bộ chuông ngân mọi khi rất nhạy cảm, chỉ một
chấn động nhỏ - chẳng hạn một chiếc xe tải chở bia chạy qua - cũng đủ
khiến nó ré lên như con mụ bị thần kinh, thế mà nó không mảy may phản
ứng với tiếng thét của tôi, chỉ có thủy tinh là vỡ, vỡ tan tành, vỡ triệt để.
“Vỡ đồng hồ rồi!” Matzerath kêu lên và buông cái trống ra. Chỉ thoáng
nhìn, tôi đã xác định được là đích thị cái đồng hồ thì không sao, chỉ có mặt
kính là đi tong. Nhưng đối với Matzerath cũng như với mẹ tôi và Jan
Bronski (theo thường lệ vẫn đến chơi mỗi chiều chủ nhật) thì tổn thất có vẻ
nghiêm trọng hơn nhiều. Mặt tái mét, họ lấm lét nhìn nhau, nhớn nhác, và
vươn tay tới vật rắn gần nhất có thể bấu víu vào được - cái bếp lò, cây
dương cầm, tủ buýp- phê... Họ đứng ngây ra, không dám động đậy. Jan
Bronski mấp máy cặp môi khô, mắt đầy vẻ van lơn. Đến tận bây giờ, tôi
vẫn tin rằng bác đang khấn thầm trong bụng một lời nguyện đại loại như:
"Ôi con chiên của Chúa, Người cất bỏ những tội lỗi của thế gian này,
miserere nobis" [1]. Ba lần như thế rồi tiếp theo là: "Lạy Chúa, con không
xứng đáng được đón Người dưới mái nhà này, chỉ xin Người nói một lời..."
Dĩ nhiên là Chúa chẳng nói gì. Vả lại, đồng hồ không đi đứt mà chỉ vỡ
mặt kính thôi. Tuy nhiên, có một cái gì thật kỳ khu và con nít trong tình
cảm của đám người lớn đối với những cái đồng hồ của họ (về mặt này, tôi
không bao giờ là con nít cả). Tôi sẵn sàng đồng ý rằng đồng hồ có thể là vật
đáng kể nhất mà người lớn đã tạo ra. Người lớn vốn nuôi chí sáng tạo và
đôi khi, với tham vọng, tính cần cù và tí chút may mắn, họ thực sự trở thành