sáng tạo, nhưng bởi là người lớn, nên vừa mới tạo ra được một phát minh vĩ
đại, họ đã tức thì biến mình thành nô lệ của nó.
Nói cho cùng, đồng hồ là cái gì mới được chứ? Không có người lớn thì
nó chẳng là cái gì sất. Người lớn lên dây cho nó, chỉnh giờ nhanh lên hay
chậm lại, mang nó đến ông thợ đồng hồ để kiểm tra, lau dầu và nếu cần thì
sửa chữa. Cũng như trong các trường hợp chim cu ngừng hót quá sớm, lọ
muối trên bàn ăn bị đổ, sáng sớm đã nhìn thấy nhện, gặp mèo đen đến từ
bên tay trái, hoặc bức chân dung sơn dầu của ông bác treo trên tường bỗng
rơi xuống vì chiếc đinh bị long, người lớn thường nhìn thấy trong gương và
đằng sau một chiếc đồng hồ nhiều điều hơn là nó có thể báo hiệu.
Mẹ tôi tiếng là bồng bột song lại có cái đầu khá tỉnh và chính cái tính phù
phiếm ấy thường khiến mẹ đi đến những diễn giải lạc quan về các tín hiệu
hoặc điềm báo, cuối cùng mẹ tìm ra lời để cứu vãn tình thế.
"Mảnh vỡ là điềm may!" mẹ nói lớn, bật ngón tay đánh tách rồi đi lấy
xẻng và chổi hốt lấy may mắn đó.
Nếu hiểu theo lời mẹ thì tôi đã mang đến cho cha mẹ, họ hàng bạn bè và
cả nhiều người hoàn toàn xa lạ khá nhiều may mắn bằng cách hát hoặc hét
vỡ tan những đồ thủy tinh thuộc về, hoặc đang được sử dụng bởi, những
người toan cướp đi cái trống của tôi, nào ô kính cửa sổ, nào bát pha lê đựng
đầy hoa quả giả, nào những cốc bia đầy, những chai bia rồng hoặc những
cái lọ nhỏ chứa hương mùa xuân mà người phàm tục gọi là nước hoa, tóm
lại, bất cứ sản phẩm nào của nghệ thuật làm thủy tinh.
Để hạn chế thiệt hại (bởi tôi xưa nay vẫn là người yêu đồ thủy tinh mỹ
nghệ), khi đêm đến, người ta định cất cái trống đi, không để tôi mang theo
vào giường ngủ, tôi tập trung vào công phá một hoặc hai - ba bóng trong
chùm đèn bốn bóng ở phòng khách của chúng tôi. Trong bữa sinh nhật lần
thứ tư của tôi vào đầu tháng 9 năm 1928, tôi giáng một chưởng vào cả đám
đông tụ tập đông đủ - cha mẹ tôi, vợ chồng bác Bronski, bà ngoại