pháp, học hát, cách trí; Thứ tư: số học, viết tập, vẽ, vẽ; Thứ năm: địa dư,
số học, tập viết, tôn giáo; Thứ sáu: số học, trò chơi, thư pháp; Thứ bảy: số
học, hát, trò chơi, trò chơi".
Cái sản phẩm trang trọng này của một hội đồng sư phạm, được tuyên đọc
bằng một giọng nghiêm nghị không bỏ sót một chữ nào, vang lên như một
định mệnh không bề xoay chuyển. Nhưng rồi nhớ lại những điều đã học ở
Trường Sư phạm, Cô Spollenhauer bỗng dịu dàng và ngọt xớt: "Và bây giờ,
các con thân yêu," Cô bốc lên trong niềm hoan hỉ đầy tinh thần tiến bộ, "Tất
cả chúng ta hãy đồng thanh nhắc lại. Nào: Thứ hai?"
Cả lũ gào "Thứ hai."
"Tôn giáo?" Và bọn vô đạo được rửa tội rống lên "tôn giáo". Riêng tôi thì
kìm giọng, chỉ nhấn các âm tiết trên trống.
Đằng sau tôi, dưới sự kích động của Cô Spollenhauer, bọn tà giáo lại gầm
lên: "Tập viết!" Tùng-tùng, trống tôi rền vang. "S-ố h-ọ-c!" Thêm hai nhát
nữa.
Trước mặt tôi: Cô Spollenhauer lải nhà lải nhải, đằng sau tôi: đám dân
đen gào rú. Ngậm bồ hòn làm ngọt, tôi gõ các âm tiết với mức độ vừa phải
và mọi sự cứ tiếp tục như thế cho đến khi Cô Spollenhauer, chẳng biết bị
con quỷ nào chọc bậy, nhảy dựng lên, rõ ràng là nổi đoá, nhưng không phải
với bọn Tácta đằng sau tôi; không, chính tôi là kẻ đã khiến đôi má Cô đỏ
bừng giận dữ; cái trống nhỏ tội nghiệp của Oskar đã thành vật chướng ngại
của Cô, thành duyên cớ tranh chấp khiến Cô hận tôi.
"Oskar, nghe ta này: Thứ năm, địa dư?" Bỏ qua hai chữ Thứ năm, tôi gõ
hai tiếng "địa dư", hai tiếng "số học" và hai tiếng "tập viết"; với từ "tôn
giáo", tôi không gõ hai nhát đơn mà, theo nguyên lý thần học sùng kính,
khấn hai tiếng kẹp ba (tượng trưng Chúa Ba Ngôi).