tuổi, y phục sang nhưng có vẻ người không sang, lông mày sâu róm, mắt
lim dim như lúc nào cũng chói mặt giời, cúi đầu với ông ấm B… một cái.
Ông ấm cũng vội đáp lễ. Thế là ông kia bảo ngay phu hãm đà chân lại,
xuống xe. Lời ông ấm:
- Độ này, người anh em hẳn phát tài?
- Có gì! Xuềnh xoàng đủ ăn… Quan anh hôm nay quá bộ lại tôi, tôi nhờ
một việc cần nhé?
- Vâng. Nhưng ở phố nào?
- Ở phố Nguyễn Trãi, số nhà… Tối hôm nay, quan anh đến chơi có được
không?
- Được, tối tôi xin đến.
Đoạn hai người lại chào nhau. Ông kia lên xe, chúng tôi cũng vừa đến
chỗ hàng nước chanh, nước đá. Kéo ghế ngồi, ông ấm phì cười:
- Rõ khỉ! Cái thằng… nó lại gọi mình là quan!… Cái xã hội tinh những
quan như mình thì thôi, “có phúc” chán!
Ông Mỹ Bối hỏi:
- Ông ấy là ông nào?
Ông ấm có ý ngạc nhiên về câu hỏi ấy lắm. Ông đùa nhả:
- Ô hay! Thế cũng không biết à? Lão Thượng Ký đấy chứ ai! Rõ bị thịt
có khác, chả được bộ gì cả. Vào làng đỏ đen từ bao lâu nay, lại vào cả làng
b… nữa, mà đến nỗi thấy lão Thượng Ký còn hỏi là “ông nào”!…
- Thì nào ai biết!
Ông ấm quay nhìn tôi với anh Vân:
- Đồng nghiệp của tôi và địch thủ của tôi đấy. Tôi dùng chữ địch thủ
cũng chưa được đúng, phải dùng chữ… kẻ thù mới đúng. Vì rằng, trò đời
nó thế, đồng nghiệp với nhau chính là kẻ thù của nhau. Không gì ghét nhau
bằng bọn người cùng một nghề nghiệp. Nghĩa là chúng tôi không có… cơ
quan để công nhiên chửi nhau như những ông nhà báo nên thiên hạ mới
không biết cái tình đồng nghiệp của chúng tôi nó thế nào chứ, nói thực ra,