bài tòng phạm” liệng trả ông bạn. Trong cái liệng rất ý tứ mà ít ai để ý ấy,
ngón tay cái với ngón tay trỏ của mình đã “họp đảng” với nhau giữ lại vài
quân, trập phắt vào phần mình. Thế là ông bạn cầm phần bài thiếu phải
đánh bậy bạ cho qua cuộc, cốt sao “che mắt thế gian”.
Ấy, chỉ có thế thôi, bịp tài bàn cũng vậy hay tổ tôm cũng vậy. Cốt nhất
phải có bộ mặt tài tử đóng kịch, nghiễm nhiên, bệ vệ, cũng cốt nhất là ngồi
vào một chỗ không ai ám nổi, tránh cho xa những bác chầu rìa.
Trong cuộc giảng bài này, ông “tham” cho chúng tôi rõ cả phần thực
hành lẫn phần lí thuyết. Nhanh như chớp, ông giở ngón có bảo trước cho
biết mà chúng tôi chịu, không sao vớ được cái “thiên biến vạn hoá” của nhà
quỷ thuật đại tài.
Bữa tiệc nào cũng phải có đồ nước nên nhà bạc bịp thuật thêm một câu
chuyện ngắn nữa để làm món đét-xe.
Một lần, ngồi vào cuộc với hai ông khách lạ mà tôi tưởng là quých, tôi
vờ chang bài nọc, hụt xong, để xuống đĩa thì bỗng phải giật mình lo sợ vì
chỉ cuỗm có bốn quân mà sao phần nọc có lẽ thiếu nhiều? Đang mải ngẫm
nghĩ thì một ông khách lạ nắm chặt lấy tay tôi. Cuống quá, đã tái cả mặt
nhưng nhanh trí khôn, tôi cũng vội liều nắm chặt cổ tay ông ta làm cái “trả
miếng”. Rồi chúng tôi cùng buông nhau ra để cười sằng sặc, gập đôi người
lại mà cười. Tôi hụt bốn quân bài thì ông khách ấy cũng hụt ba quân cộng
với một quân. Ông ta chia thừa cho phần bài của ông mà tôi thì hụt nọc!
Chúng tôi gọi buổi ấy là ngày “anh hùng tương ngộ”, cũng là “bịp lũa” cả
mà bên nọ còn tưởng bên kia là mòng.
Trước mặt anh chàng dắt khách lấy hồ hòng chuyện nọ kia, mặt tiu nghỉu
như chó bị thiến, chúng tôi vỗ vai nhau, bắt tay nhau một cách ân cần, gọi
nhau là “tri kỉ”.