CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN - Trang 12

Phần 3

Những chiều ghe chúng tôi đi ngang qua những người đàn bà ngồi giặt giũ
dưới bến sông, tôi hay hỏi lòng, có phải tôi vừa ngang qua má đó không.
Tôi cố giữ trong lòng hình ảnh má nhưng rồi ngày càng tuyệt vọng khi thấy
nó nhạt nhòa dần, cứ nghĩ mai này gặp lại mà không nhận ra nhau, lòng
nghe buồn thiệt buồn.

Má tôi hay mang xoong chảo ra bực sông chùi lọ nghẹ, sẵn đón ghe
hàna(bông mua ít rau cải tươi và bán lại những quày chuối chín bói trong
vườn. Dần dần, buổi chiều, đám thương hồ hay lại neo ghe chỗ mấy cây
mấm trước nhà. Một người bảo không sao xa được người đàn bà có cái
cười làm lấp lánh cả khúc sông. Má tôi nguýt dài :

- Dóc…

Người đàn ông cười hề hề, thề “ Tôi nói láo cô Hai cho xe đụng chết ngắc”
(Ngay lập tức, Điền thì thầm, “thằng chả ở dưới ghe kiếm đâu ra chiếc xe,
nói dóc…”, và bằng cái vẻ ác cảm lạ lùng, thằng Điền biểu tôi nhìn khuôn
mặt và tấm lưng trần chi chít những nốt ruồi của ông ta, bảo “Tại hồi đó má
ổng mới sanh ổng ra quên lấy lồng bàn đậy, nên ruồi bu tùm lum”).

Cho dù người đàn ông ấy có quá nhiều nốt ruồi, cho dù chẳng cao ráo, đầu
ít tóc… nhưng với chiếc ghe chở đầy vải vóc, những người đàn bà lam lũ
quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ đều trở thành trẻ thơ khi
bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi
dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi, thấy mình già khi
ngang qua bồ lúa vừa hót bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà
như khứa một ít tuổi xuân đi. Cả đời, cái bồ lúa luôn làm lòng họ đau đáu,
khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gã chồng cho con
cái.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.