Quãng hành trình về nhà có vẻ rất dài và khắc nghiệt, nó vắt kiệt cha tôi.
Cha cười cay đắng, khi thấy quần áo má còn treo trong nhà, còn cả cái khăn
tắm và đôi dép Lào cũ, như thể má đang chơi bên xóm, chỉ cần thằng Điền
kêu má sẽ xấp xãi chạy về, mừng húm hỏi “Đi chuyến này nữa là đủ tiền
mua ti vi màu, phải hôn anh ?”.
Coi kỹ thì má không đem theo gì. Chi tiết đó làm đau lòng người ở lại, nó
cho thấy người đi đã chẳng suy nghĩ, đắn đo, đã không một chút trù trừ, chỉ
rũ mình cái rột, sạch trơn, vậy thôi.
Cha đem tất cả đồ đạc của má đem đốt. Khói bay mù mịt trong nhà, mùi
vải, mùi nhựa cháy khét lẹt, những cái áo hồng áo tím rúm ró lại, chảy
thành những giọt tro. Cha nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực
lên, ngây ngất vì một ý nghĩ mới lạ.
Chúng tôi dong ghe đi, quặn lòng ngoái lại căn nhà đang quay quắt dãy dụa
trong lửa đỏ. Nghe vẳng theo âm thanh lốp bốp rất giòn của những thanh
gỗ cháy, và tiếng xóm giềng í ới gọi nhau. Chắc chắn sẽ có người vỗ đùi cái
đét, “Hồi hôm qua, ngó cái mặt u ám của Út Vũ, tui nghi thể nào thằng chả
cũng đốt nhà. Nghi đâu có đó, thiệt là y như để vậy, các cha”.
Kể nhiều chuyện như vậy là để trả lời chị, nhà tôi, má tôi, rốt cuộc đã trở
thành tro bụi mất rồi. Nên khi hết mùa lúa chín, những người nuôi vịt chạy
đồng khác đã trở về nhà còn chúng tôi lại tiếp tục lang thang.
Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Đôi khi
không hẳn vì cuộc sống, chúng là cái cớ để chúng tôi sống đời du mục, tới
những chỗ vắng người. Ở đó, ít ai phát hiện ra sự khác thường của gia đình
tôi, và ít hỏi cái câu, “Má mấy đứa nhỏ đâu?”. Để cha phải buột lòng nói
“chết rồi !” và cười lạt khi nghe người nào đó kêu lên : “Mèn ơi, tội hai đứa
nhỏ hôn”.