khoái trá nếm từng tấc đất, tôi tự hỏi, không biết chỗ khác (chỗ không có
chúng tôi) có mưa nhiều như vầy không. Ý nghĩ đó xuất hiện triền miên
trong đầu tôi, rằng trời chỉ trút mưa, trút nắng ở nơi chúng tôi dừng chân
lại. Nỗi bẽ bàng của những người đàn bà bị cha tôi bỏ rơi (và cộng thêm
niềm đau vỡ của những người quây quanh họ) đã thấu qua những tầng mây.
Và dường như cách giao tiếp ngấm ngầm của tôi và Điền cũng trong chuỗi
bất thường, nó làm cho mối quan hệ với cha thêm rời rạc. Những bữa ăn
nối tiếp nhau trong im lặng. Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình
đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn
với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc
bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một vài gò mả
loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt thiu thỉu. Mùi
rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới
bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc
chuông câm. Cảnh không đổi, người cũng không, cứ ngồi ngoáy mãi vết
thương cũ, nhỏ nước mắt.
Giống như mấy cái mả ngồi, thằng Điền nhận xét. Vừa may, một bữa trưa
nắng rập rờn trên nách rạ, chúng tôi cảm nhận được những tiếng nói lao
xao. Thằng Điền thảng thốt, "Tụi mình ba trợn thiệt sao, Hai ?" khi nhận ra
đó là tiếng của... vịt. Tôi cười, hớn hở. Thế giới của vịt mở ra. Không ghen
tuông, hờn giận, chắc tại cái đầu vịt nhỏ quá nên chỉ đủ cho yêu thương.
Tôi thôi thắc mắc vì sao cả bầy trăm con chỉ cần mười, mười lăm con vịt
trống.
Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để cho người ta nhìn
mình như những kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi - người). Chị
em tôi học cách yêu thương đàn vịt (hy vọng sẽ không bị đau như yêu
thương một - con - người nào đó). Nhưng nhiều khi nhìn thằng Điền dõng
tai coi mấy con vịt nói cái gì, tôi giật mình, nuốt một họng đắng, tự hỏi đã
đến nỗi này sao, đến nỗi chơi với người thấy buồn, nên chuyển qua chơi